Nghệ nhân già thổi hồn vào đồ chơi con trẻ
Ông Đĩnh sinh ra tại ngôi làng có truyền thống nặn tò he lâu đời Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Bố của ông cũng là một nghệ nhân nặn tò he trong làng. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với tò he. Tò he như người bạn tấm bé đã cùng ông lớn lên, cùng trải qua những thăng trầm của cuộc sống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh |
Ông kể, ngày bé ông đã bị thu hút bởi những con tò he đầy màu sắc. Ông thường ngồi nhìn người ta nặn sau đó bắt đầu lấy bột gạo tập theo. “Năm 7 tuổi, khi nhìn thấy bức ảnh Lênin trên báo, tôi rất thích nên đã tập nặn theo. Từ bức ảnh đen trắng bé bằng bao diêm, tôi vừa làm vừa tưởng tượng, thế mà cũng giống được khoảng 80% đấy. Ai nhìn vào cũng nói ngay đây là chân dung của Lênin. Đó cũng lúc tôi biết mình sẽ chọn theo nghiệp này”, ông Đĩnh bồi hồi nhớ lại.
Nhớ về những ngày đầu làm nghề còn nhiều khó khăn, ông Đĩnh kể: “Ngày xưa cuộc sống vất vả, tôi đi làm lo cho mấy miệng ăn trong nhà nên cũng nhiều áp lực. Khó thì có khó thật nhưng tôi không thấy khổ vì được làm công việc mình yêu thích. 30 năm về trước, những ngày trong tuần, tôi ở nhà làm bột, cuối tuần lại đạp xe lên Hà Nội bán. Ngày đầu làm nghề vì thích nhưng để theo nghề đến hơn 50 năm thì cần cả sự kiên trì, bền bỉ”.
Niềm vui của người nghệ nhân già là thổi hồn, truyền lửa nghề truyền thống nặn tò he đến lớp trẻ |
Dù đã sắp bước sang tuổi 70 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Đôi tay người nghệ nhân khéo léo ấy đã nặn hàng ngàn hình thù tò he, thứ đồ chơi gần gũi với tuổi thơ trẻ em Việt Nam. Công việc không có nhiều đổi thay vì ngày nào, mùa nào cũng diễn ra như vậy nhưng đối với ông Đĩnh, mỗi sản phẩm tò he đều mang linh hồn riêng, được ông đặt vào đó rất nhiều tâm huyết.
Theo nghệ nhân già, bột dùng để nặn tò he hoàn toàn được lấy màu từ tự nhiên như cây trầu không, củ cà rốt. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo thế nên nếu không may trẻ em cho vào miệng thì cũng không có vấn đề gì về sức khỏe. Cũng bởi thế nên nhiều phụ huynh luôn lựa chọn tò he là món đồ chơi tuổi thơ của con mình, vừa rẻ, đẹp mà lại rất an toàn.
“Phụ huynh thấy tò he cũng thích lắm, mỗi lần đi qua đều mua làm quà cho con cháu trong gia đình. Đo đó, mỗi ngày đều đặn từ đầu giờ chiều đến tối, tôi cũng bán được khoảng 20 - 30 con tò he. Vào dịp cuối tuần, các gia đình đưa con lên phố chơi đông thì sẽ bán được nhiều hơn”, ông Đĩnh chia sẻ.
Tò he với nhiều hình dáng ngộ nghĩnh |
Không chỉ là nghệ nhân mà ông Đĩnh còn là người truyền bá, giao lưu và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế khi họ đến tham quan hồ Gươm, phố cổ. Trải qua bao thăng trầm, cảnh vật phố phường đổi thay, ông Đĩnh vẫn hằng ngày ngồi đó, bên gốc đa già với sạp tò he màu sắc sinh động. Người nghệ nhân già bền bỉ gìn giữ một nghề truyền thống đang có nguy cơ dần mai một bởi những sản phẩm đồ chơi hiện đại. Ông lặng lẽ như một người ký sử bình dị mà cao quý giữa phố phường Hà Nội đông đúc.
Ông Đĩnh kể đã từng trải qua không biết bao kỉ niệm với sạp tò he này, từ những ngày khó khăn khi nơi bày bán không ổn định, đường sá xa xôi hay thời tiết mưa bão, gió lạnh… đến những thay đổi theo thời gian của phố phường. Tất cả là những kỷ niệm đẹp, điều hạnh phúc giản đơn và cả sự tự hào về nghề truyền thống của người nghệ nhân thổi hồn vào những cục bột.
Đối với ông Đĩnh, nghề to he sẽ “không bao giờ mai một” |
Gần 60 năm ròng rã “gánh con giống” đến khắp mọi nẻo đường Thủ đô, ông Đĩnh đang từng ngày làm giàu đẹp hơn văn hóa cổ truyền và lan tỏa cảm hứng đến nhiều thế hệ trẻ. Với ông Đĩnh, tò he không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn là chất keo kết nối nhiều thế hệ trong gia đình. Có lẽ, đó cũng là điều khiến ông càng vững tin về chỗ đứng của nghề tò he trong văn hóa truyền thống nước nhà.
Trong thời hiện đại, công nghệ phát triển như vũ bão, văn hóa truyền thống vẫn len lỏi vào từng nếp nhà ngõ xóm, trân quý làm sao những người nghệ nhân giữ lửa và làm văn hóa truyền thống tỏa sáng như người nghệ nhân giữa lòng Hà Nội. Đối với ông Đĩnh, nghề to he sẽ “không bao giờ mai một”.