Người Hà Nội trẻ giữ hồn Tết cổ truyền
Các làng hoa ven đô Hà Nội tất bật vào vụ Tết Cùng nhà thơ Ngọc Bái "Chơi Tết với người Mông" Cùng gia đình "Nhâm nhi Tết Giáp Thìn" |
Phong tục truyền thống gắn kết gia đình
Trong không khí rộn ràng cuối năm, để Tết cổ truyền thêm ý nghĩa, nhiều bạn trẻ đã tự tay vào bếp làm những món như: mứt, bánh kẹo để có thể đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như tạo ra hoạt động để gắn kết các thành viên. Đó là lý do, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thơm (21 tuổi, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) thích thú lên kế hoạch mở một xưởng bánh kẹo tại ngôi nhà nhỏ của mình.
Cô chia sẻ: “Mình rất thích các hoạt động gia đình, nhưng không phải lúc nào mọi người cũng có thời gian đông đủ các thành viên, chỉ Tết là đông đủ nhất nên mình muốn tự tay những thứ ý nghĩa, tình cảm nhất cho người thân. Nên khoảng 2, 3 năm gần đây mình luôn tự tay là mứt Tết phục vụ gia đình, biếu họ hàng gia đình.
Bản thân cũng đam mê nấu nướng, đọc các thông tin trên báo thấy tình trạng mất vệ sinh an toàn, hàng không chất lượng tại các lò mứt nên mình càng muốn tự tay chuẩn bị cho sạch sẽ, mỗi người trong gia đình cũng giúp một tay nên mình không thấy vất vả”.
Mứt dừa non với màu sắc sặc sỡ được Thơm chuẩn bị đón Tết (Ảnh: NVCC) |
Đối với cô gái của gia đình như Thơm, mỗi năm chỉ có một dịp, cảm giác được tự tay chuẩn bị từng khâu: đi chợ chọn dừa tươi, về nạo, tẩm ướp, sên mứt… là thấy không khí Tết lại tràn về.
Thơm kể: “Mình rất chú ý đến khẩu vị đến các thành viên của gia đình nên trước Tết luôn tự test thử các công thức. Mỗi lần nướng xong một mẻ bánh, hay sên xong mứt là mùi thơm dễ chịu bay khắp nhà, rồi các thành viên tranh nhau thử món mới thích thú và khen ngon miệng, mình cảm giác như được đón Tết trước cả tháng”.
Ngoài ra, Thơm còn tự tay chuẩn bị khô gà, khô bò cho gia đình thưởng thức
Hiện đại nhưng rất truyền thống
Cũng như Thơm luôn trân trọng những nét đẹp truyền thống nhưng Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại chọn sự sáng tạo, hiện đại vào chiếc lì xì tết là xu hướng đón Tết của chính mình. Bản thân anh là một người làm sáng tạo nên thích vận dụng sở trường của mình vào những đồ vật gắn liền với Tết.
Tuấn bày tỏ: “Mình không phải làm việc nhiều vào mỗi dịp Tết, mình muốn tối giản các công đoạn bằng cách mua những đồ có sẵn. Thú thực mình luôn thích các hoạt động gói bánh chưng, làm mứt, muối dưa hành nhưng lại bản thân không khéo tay.
Tết bây giờ cũng không còn quá cầu kỳ, đã có những biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh, thời đại nhưng chắc chắn lì xì là thứ mà ai cũng thích. Vì vậy, mình đã đặc biệt tự thiết kế những bao lì xì đưa các yếu tố chất liệu hoa mai, hoa đào, mặt trống đồng để làm điểm nhấn cho gia đình, cũng như dự án riêng”.
Những món ăn các bạn trẻ tự tay chuẩn bị trước cả tháng để gia đình đón Tết |
Gen Z là thế hệ sinh ra và lớn lên với sự phát triển của Internet, vì vậy nhiều vậy nhiều bạn trẻ cũng chọn đón Tết theo kiểu “công nghiệp hoá" nhưng vẫn trân trọng Tết theo cách riêng. Hiện nay, trên các mạng xã hội có rất nhiều người bán đồ ăn, mứt, thực phẩm chế biến sẵn cũng rất uy tín giúp cho những người có đặc thù công việc nhiều thời gian dễ dàng sắm Tết.
Là một người trẻ bận rộn, bạn Đỗ Thị Anh Thư (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Tết chỉ vui khi được về nhà, và mình không muốn người thân phải bày vẽ quá nhiều món nên ưu tiên sắm Tết ở các cửa hàng online để giúp tiết kiệm thời gian. Việc này cũng giúp mình có thêm nhiều thời gian sum vầy bên gia đình, ăn cơm, kể chuyện, ôn lại kỉ niệm, vui vẻ cười nói.
Mình nghĩ rằng xã hội thay đổi từng ngày, việc đón Tết cũng không cần phải bó buộc trong một công thức chung, cốt lõi là vẫn đảm bảo giữ gìn được nét đẹp truyền thống của người Việt”.
Trong cuộc sống hiện đại 4.0, Tết cổ truyền được biến tấu đa dạng, xuất hiện trong nhiều dáng vẻ, hình thức khác nhau nhờ tư duy đón Tết mới mẻ của của những người trẻ. Chia sẻ của họ cho thấy họ vẫn luôn trân quý những giá trị truyền thống và luôn mong muốn được giữ gìn, quảng bá tới muôn nơi.