Nhận diện vấn đề trong xây dựng và thực hiện chính sách việc làm cho thanh niên
Lắng nghe nguyện vọng của thanh niên về việc làm |
Nhiều thách thức
Tại diễn đàn "Chính sách việc làm cho thanh niên", đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, thời đại toàn cầu hóa - tự do hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng trong khu vực cũng như toàn thế giới với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, cần nhận diện những vấn đề trong xây dựng và thực hiện các chính sách về lao động, việc làm nói chung, chính sách cho thanh niên nói riêng.
Chất lượng lao động Việt Nam nói chung, thanh niên nói riêng hạn chế đã trở thành lực cản đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động xã hội, là rào cản hướng tới việc làm năng suất, bền vững cho lao động.
Thanh niên, sinh viên tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Việc làm trường Đại học Công nghệ |
Mặt khác, mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc vào quy mô vốn và công nghệ. Đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng còn thấp. Lao động phần lớn làm việc ở khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Đây là khu vực có năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng thấp; chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chất lượng nhân lực chưa cao.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sức ép từ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là thanh niên là vấn đề đặt ra hàng đầu để phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng: “Hiện đại hóa công nghiệp và xây dựng”, “nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa, hiệu quả và bền vững” và “các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng cao và khả năng cạnh tranh lớn”.
Chính phủ cũng đang đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong đó, yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một thách thức khác đó là, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017). Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số, dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%). Do vậy, cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, để nhân tố này phát huy được vai trò trụ cột, tiềm năng to lớn của bản thân, hướng tới đóng góp tích cực hơn cho đất nước trong bối cảnh già hóa dân số.
Bạn trẻ đặt câu hỏi tại Diễn đàn "Chính sách việc làm cho thanh niên" |
Thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số (đại dịch COVID-19 tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn). Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là thanh niên với tiềm năng, khả năng thích nghi, ứng dụng nhanh khoa học, công nghệ. Nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao (công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính, …) đến những việc làm với trình độ phổ thông (giao hàng, bán hàng online, …) đòi hỏi cần có các quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm trong bối cảnh kinh tế số.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Giải quyết việc làm cho lao động nói chung, thanh niên nói riêng ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp; Nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm.
Theo đại diện Cục Việc làm, cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ LĐTBXH tập trung thực hiện những giải pháp sau: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tập trung xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tập trung vào 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Thanh niên phỏng vấn tuyển dụng |
Ngoài ra, dự kiến Luật Việc làm cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan hỗ trợ việc làm cho thanh niên, như: Sửa đổi quy định về hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Quy định về việc làm thêm của học sinh, sinh viên; hỗ trợ việc làm phi chính thức; hỗ trợ tham gia thị trường lao động; đăng ký lao động …
Mặt khác, Cục Việc làm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách khôi phục và phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm; Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho các đối tượng người lao động nói chung (trong đó có thanh niên) nhất là thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và miền núi ...
Cục Việc làm phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác để hỗ trợ thanh niên, sinh viên lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cục tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đưa người lao động, nhất là bộ phận lao động trẻ có trình độ, chuyên môn đi làm việc ở các thị trường tốt với thu nhập, trình độ cao và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này khi về nước.
Các giải pháp khác cũng cần được thực hiện như: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia; Nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là kết nối trực tuyến, từng bước hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối liên vùng, toàn quốc; Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách lao động, việc làm phù hợp cho thanh niên, nhất là thông qua các ứng dụng, các trang mạng trên môi trường điện tử.