Nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số cấp tỉnh
Bà Rịa – Vũng Tàu có 5 chỉ số PAPI ở nhóm cao
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban, ngành, các chuyên gia và nhiều điểm cầu tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về nâng cao chỉ số PAPI, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 8 chỉ số nội dung như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử…
Lãnh đạo phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu vận động người dân bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn |
Qua khảo sát năm 2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 5 chỉ số nội dung có chỉ số nhóm ở khoảng cao, và 2 chỉ số nội dung có chỉ số nhóm khoảng trung bình – thấp; 1 chỉ số nội dung ở nhóm khoảng trung bình cao.
Từ khảo sát đại diện UNDP đưa ra giải pháp để nâng cao chỉ số PAPI trong năm 2024 đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ trong việc bầu chọn vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã và trực tuyến trên cổng thông tin điện tử.
Tỉnh cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ của công chức trong xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giảm thiểu tình trạng ‘vị thân’ trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ công.
Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung đầu tư công để cải thiện điều kiện vật chất, chất lượng bệnh viện công tuyến huyện nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế từ cơ sở. Cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công địa phương.
Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Chỉ số PCI, PGI tăng trưởng nhanh
Bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng, Phòng Môi trường kinh doanh Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều nằm trong Top 10 của PCI và PGI năm 2023 với thứ 6 bảng xếp hạng PCI và đứng thứ 8 bảng xếp hạng PGI.
Đối với chỉ số PCI, qua khảo sát năm 2023 về chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, VCCI dựa trên các nội dung như: Giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp cận các nguồn lực sản xuất – kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, thân thiện.
Theo VCCI đánh giá, cơ bản tỉnh đạt được nhiều tiêu chí doanh nghiệp đánh giá hiệu quả tốt, tuy nhiên có một số tiêu chí còn tồn tại được doanh nghiệp phản ánh như một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà như đất đai, thuế, môi trường, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, xây dựng chỉ đạt mức thấp. Tuyển dụng lao động chất lượng cao vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp...
Từ đó, đại diện VCCI đưa ra nhiều giải pháp đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm 2024 về tăng cường chỉ số PCI như tỉnh cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức; tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường.
Bà Rịa – Vũng Tàu cần thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và cung cấp thông tin minh bạch hơn cho các doanh nghiệp.
Hệ thống rừng ngập mặn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được quản lý chặt chẽ |
Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.
Sự năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh địa phương cũng như của cả Việt Nam.
Đánh giá về chỉ số PGI, bà Lê Thanh Hà thông tin, năm 2023 qua khảo sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàuđạt nhiều tiêu chí trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm, khắc phục về môi trường... đại diện VCCI đưa ra thêm nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa trong chỉ số PGI.
Việc cải thiện mỗi chỉ tiêu PGI có thể tương ứng với một khuyến nghị chính sách. Nhóm nghiên cứu PGI sẽ hỗ trợ quá trình này theo nhiều cách khác nhau, bao gồm xác định và lan tỏa các mô hình tốt, tương tự như đã thực hiện với chỉ số PCI.
Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế cũng có thể hỗ trợ chính quyền cấp tỉnh trong quá trình chuyển đổi xanh thông qua các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để khắc phục những hạn chế về nguồn lực và năng lực; quy định, hướng dẫn và các chương trình đào tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng; đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn môi trường. Hầu hết chính sách quan trọng về môi trường và tăng trưởng xanh dường như mới xuất hiện ở cấp trung ương.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, PGI, PAPI. |
Cuối cùng, vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng. Doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự có động lực để thay đổi hành vi (đầu tư lớn để chuyển đổi sang quy trình sản xuất kinh doanh xanh) nếu hành vi đó được thị trường đánh giá cao và đón nhận. Do đó, các chương trình tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt Nam về tầm quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường và khuyến khích họ trả giá cao hơn cho sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp xanh, buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình sẽ góp phần tích cực giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Tại hội nghị, nhiều tham luận, ý kiến được các Sở, ngành, các xã đưa ra trong công tác nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI năm 2024. Trong đó đã đưa ra nhiều khó khăn, thách thức và các quyết sách, chủ trương để khắc phục tình trạng trên.