Ninh Bình: Hàng nghìn lao động được hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, công xưởng tại Ninh Bình đã tạm ngưng hoạt động và thu hẹp sản xuất khiến hàng nghìn công nhân, người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp có công nhân lao động phải thực hiện cách ly để phòng dịch Covid-19.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Ninh Bình và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt là tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, nhất là đoàn viên, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp yên tâm sản xuất, thực hiện nghiêm quy định 5K.
Về tư vấn, giới thiệu việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong 11 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận gần hàng nghìn hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hàng nghìn lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Ninh Bình luôn linh hoạt trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng luật định, đồng thời bám sát theo các văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ cho người lao động đúng, đủ, kịp thời.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ có 1 trung tâm dịch vụ việc làm để người lao động có thể nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Làng nghề Ninh Phong – Phường Ninh Phong – Thành phố Ninh Bình – Tỉnh Ninh Bình.
Người lao động đến địa chỉ này để làm thủ tục hưởng bảo hiệp thất nghiệp. Trong quá trình giao dịch, Trung tâm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch như: sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang y tế, giữ khoảng cách...
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Ninh Bình Lã Thanh Tùng cho biết: "Có được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động khi đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại đây. Đặc biệt là quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho những người lao động trong giai đoạn mất việc làm và tìm kiếm việc làm mới bị mất việc làm, đang đi tìm việc làm mới. Bên cạnh đó, người lao động còn được tư vấn về tìm kiếm việc làm mới".
Sử dụng các ứng dụng công nghệ kết nối tìm việc làm mới cho người lao động
Ngoài việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Ninh Bình còn mở rộng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, thu thập và cung ứng thông tin thị trường lao động, tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm.
Đến nay, thị trường lao động bắt đầu khởi sắc trở lại và có bước phát triển khá nhanh với nhu cầu tuyển dụng hoặc thay thế nhân sự lớn của các doanh nghiệp. Trong hai tháng cuối 2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới |
Trong tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị các phiên giao dịch việc làm online thu hút 22 doanh nghiệp gửi nhu cầu tuyển dụng về Trung tâm với gần 10.000 lao động.
Trong đó, Công ty TNHH Giầy ATHENNA Việt Nam (xã Yên Lâm, huyện Yên Mô) là đơn vị có số lượng tuyển dụng nhiều nhất với 1.000 chỉ tiêu, tiếp đến là Công ty cổ phần phát triển nhân lực kỹ thuật cao và du học Nhật Thành (huyện Đông Anh, Hà Nội) với 800 chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ông Lã Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình cho biết: "Thời điểm cuối năm, khi các hoạt động sản xuất được phục hồi trở lại, các doanh nghiệp hiện đang phải chạy nước rút để hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông tăng đột biến. Trong số gần 10.000 chỉ tiêu các DN có nhu cầu tuyển dụng thì lao động phổ thông chiếm tới hơn 70%.
Do đó, việc kết nối cung - cầu lao động áp dụng bằng các ứng dụng công nghệ sẽ đáp ứng được yêu cầu phòng dịch Covid-19 và mở rộng phạm vi kết nối rộng hơn, không chỉ diễn ra trong từng địa phương, khu vực mà còn là sự kết nối giữa các tỉnh, thành lân cận. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là một bước đi phù hợp. Ngay cả khi dịch bệnh được khống chế thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các phiên giao dịch việc làm vẫn sẽ là một cách làm cần duy trì và phát huy để những doanh nghiệp ở xa vẫn có thể tuyển dụng được lao động theo nhu cầu".