Phát huy hiệu quả sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường kết nối việc làm
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai |
Trong và sau đợt dịch lần thứ tư vừa qua đã diễn ra một đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 - 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
Theo báo cáo chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 lao động, các doanh nghiệp hiện khá khó khăn để có thể tuyển dụng đáp ứng nhu cầu trên, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, do tâm lý người lao động hiện còn e ngại quay trở lại làm việc do tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
Trước tình hình trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 13415/KH-UBND ngày 1/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phối hợp hỗ trợ đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến, trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc được hưởng ưu đãi các chính sách sau như: Được ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng chưa tiêm mũi 1, cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn, bảo đảm điều kiện khi trở lại các doanh nghiệp làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai, trường hợp người lao động phải thuê phòng trọ mà chưa nhận hỗ trợ theo Quyết định số 4346/QĐ-UBND ngày 14/10/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trước khi về quê thì sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/lần (chưa bao gồm vợ, chồng, con nếu ở cùng phòng trọ).
Để kết nối thông tin về thị trường lao động việc làm, giúp người lao động tìm được việc làm tốt trong điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cần tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và lao động; Đẩy mạnh hoạt động Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ.
Các đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố cần có sự kết nối, nắm bắt thông tin lao động có nhu cầu trở lại Đồng Nai làm việc . Từ đó, Trung tâm quan tâm thực hiện chính sách bản hiểm thất nghiệp, có phương án hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho người lao động trở lại Đồng Nai làm việc và lao động Đồng Nai đến làm việc tại các tỉnh, thành phố khác.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành; Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn
Tính đến ngày 14/11/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ về các chính sách trong đó có bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 317.000 lao động trong các doanh nghiệp chế độ tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương với số tiền khoảng 760 tỷ đồng; Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) là 746.103 người, với số tiền hơn 1.119 tỷ đồng.
Riêng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP cho 587.597 người (đạt tỷ lệ 72,5% kế hoạch) với số tiền đã được phê duyệt là 1.418,74 tỷ đồng (đạt 69% kế hoạch). Hiện các địa phương vẫn đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, ngày 14/10/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 4346/QĐ-UBND hỗ trợ 6 nhóm đối tượng khó khăn gồm người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo (1,5 triệu đồng/người/hộ); người dân đang thuê phòng trọ (300 nghìn đồng/người); người thuê phòng trọ phải thực hiện giãn cách xã hội trong các khu cách ly tạm thời và người lang thang trong các khu cách ly tạm thời (120 nghìn đồng/người/ngày).
Dự kiến có khoảng 618.121 người được hưởng chính sách hỗ trợ từ gói an sinh xã hội này với kinh phí hơn 296 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang chi hỗ trợ cho các đối tượng.
Theo thống kê nhanh tại hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện tại, các doanh nghiệp cần khoảng 35.000 - 40.000 lao động để khôi phục hoạt động sản xuất và đáp ứng các đơn hàng, bù đắp lại thời gian hơn 3 tháng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn là: dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn như: Công ty CP Taekwang Vina cần 5.000 lao động; Công ty Chang Shin Việt Nam cần 2.000 lao động; Công ty Longwell cần 3.300 lao động; Công ty Friwo Việt Nam cần 500 lao động…
Như vậy, tình trạng khan hiếm lao động (chủ yếu lao động phổ thông) số lượng lớn sẽ tiếp diễn trong quý IV/2021 và quý I/2022 càng làm cho quá trình khôi phục hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Để nhanh chóng khôi phục sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn thiếu hụt lao động do dịch Covid-19, địa phương xin kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xin cơ chế đặc biệt cho phép doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận thời gian làm thêm giờ vượt quá quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm xây dựng chương trình kết nối thị trường lao động giữa các vùng, các địa phương để các địa phương, doanh nghiệp kết nối nhu cầu thị trường lao động.