Phóng sự điều tra - thể loại làm nên tên tuổi một tờ báo
Báo chí Việt Nam tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng Bàn về tương lai báo chí... Quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua Hội Báo toàn quốc 2024 |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc của Hội Báo toàn quốc năm 2024 tại TP HCM, lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, chuyên gia đã cùng nhau phân tích, bóc tách những mặt lợi cũng như khó khăn khi thực hiện loại báo chí phóng sự điều tra.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Dân Việt nhấn mạnh, phóng sự điều tra là làm một thể loại báo chí mà các tòa soạn, phóng viên đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, thời gian nhất, nhưng cũng đổi lại được hiệu ứng trong xã hội lớn nhất.
"Nhưng quan trọng là điều tra thế nào? Hiệu quả cho xã hội ra sao? Có những thách thức gì?... Khi thực hiện thể loại này, phiên thảo luận này chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng mở đầu.
Các chuyên gia bàn luận trong phiên thảo luận về thực hiện phóng sự điều tra trong báo chí |
Bàn về thể loại trên, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, hiện tại đang còn ít các cơ quan báo chí đẩy mạnh phát triển thể loại này, dẫn đến thiếu hụt các tác phẩm chất lượng.
Lý giải nguyên nhân, theo nhà báo Phùng Công Sưởng, phóng viên thực hiện điều tra một phần cần có kiến thức sâu rộng về pháp luật, hiểu biết xã hội, phần khác lại phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm trong quá trình điều tra, cả nguy hiểm về sức khoẻ cũng như các vấn đề pháp lý.
"Phóng viên điều tra dễ bị “phản công” nhất bởi đối tượng bị bài báo đề cập thường là các tổ chức, cá nhân có quyền, có tiền, có quan hệ đa dạng... vậy nên họ sẵn sàng “sống chết” với nhà báo.
Trong nhiều trường hợp các nhà báo điều tra bị cô đơn, bị đồng nghiệp, cơ quan không hiểu, thị phi lời đồn đoán, dư luận không tốt sau mỗi tác phẩm, sau mỗi lần các đối tượng khiếu nại, khiếu kiện thậm chí tố cáo, vu khống…", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Vậy làm sao để phóng viên thực hiện điều tra an toàn, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Đại Đoàn Kết cho rằng, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, tòa soạn và phóng viên nên có kế hoạch và thông báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để tránh những rủi ro.
Đồng thời, vấn đề nguồn tin là đặc biệt quan trọng; nguồn tin phải được xác thực kỹ lưỡng, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu bị nguồn tin "phản bội". Ngoài ra cần coi trọng đến công tác lưu trữ tài liệu, có những tác phẩm hoàn thành sứ mệnh, vấn đề đã được giải quyết nhưng vẫn bị kiện, hầu tòa. Bởi vậy, việc lưu trữ tài liệu là cực kỳ quan trọng.
Chia sẻ thêm, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, chúng ta cần có những quy định rõ ràng, cần có sự vào cuộc của những cơ quan, đơn vị, những người thực thi pháp luật để bảo vệ người làm báo. Phóng viên bị lâm nguy khi tác nghiệp cần có sự bảo vệ của cả tập thể, người đứng đầu cơ quan báo chí.
"Tuy nhiên không ai bảo vệ mình tốt hơn là việc tự bảo vệ mình; phải trang bị cho mình đầy đủ kỹ năng, hiểu biết về pháp luật, hiểu về các vấn đề xã hội và điều quan trọng nhất là mình bảo vệ mình", nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.