Quảng Nam: Hơn 19km sông Cổ Cò vẫn chưa thể khơi thông
Sông Cổ Cò còn được gọi với cái tên Lộ Cảnh Giang vẫn chưa được khơi thông dòng chảy, kết nối Quảng Nam với TP Đà Nẵng (Ảnh: V.Q) |
Ngày 20/4, liên quan đến 2 dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (từng có tên gọi Lộ Cảnh Giang) và nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Hội An, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam thông tin, cả 2 dự án đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng.
Tại dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, đại diện chủ đầu tư cho biết dự án có tổng mức đầu tư đến 850 tỷ đồng với các hạng mục thành phần như nạo vét 14km sông, thi công cầu Nguyễn Duy Hiệu và cầu Nghĩa Tự.
Sau nhiều năm thi công, đến nay, sông Cổ Cò mới được các nhà thầu thực hiện nạo vét hơn 1,4 triệu m3 cát tạp chất và thi công xong cầu Nguyễn Duy Hiệu.
Sông Cổ Cò qua thị xã Điện Bàn vẫn chưa được nạo vét hoàn thiện (Ảnh: V.Q) |
Đối với 9,5km sông Cổ Cò qua TP Hội An, nhà thầu đã tạm dừng thi công sau khi nạo vét luồng được 436.000/680.000m3 cát.
Riêng 4,5km qua thị xã Điện Bàn (Km9+500 - Km14), nhà thầu mới nạo vét khối lượng đạt 342.000m3/720.000 m3; hiện đang dừng thi công do không có mặt bằng.
Cụ thể, đoạn từ cầu Nghĩa Tự (Km12+750) đến Km14+00, việc nạo vét cơ bản hoàn thành; đoạn từ đập ngăn mặn Para đến cầu Nghĩa Tự đang còn vướng nhiều vị trí và phải dừng thi công.
Trước tình hình dự án đang dở dang, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư xây dựng cầu Phước Trạch tại Km4+525 để đảm bảo việc thông thuyền sông Cổ Cò theo tiêu chuẩn sông cấp IV; đồng thời chỉ đạo nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư đường dẫn phía Đông cầu Nguyễn Duy Hiệu nối vào tỉnh lộ 603B.
Sông Cổ Cò bị bồi lấp, chưa được nạo vét qua địa phận TP Hội An và thị xã Điện Bàn (Ảnh: V.Q) |
Chủ đầu tư kiến nghị TP Hội An và thị xã Điện Bàn đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để nạo vét luồng Cổ Cò; đồng thời hoàn thành sớm công tác đền bù, tái định cư các hộ dân tại cầu Nghĩa Tự trước ngày 30/10.
Còn công trình đập Para Điện Dương, cầu Ông Điền cũ và cầu Ông Tú, chủ đầu tư kiến nghị sẽ tháo dỡ sau khi hoàn thành việc nạo vét tuyến sông, đồng thời hoàn thành việc đô thị hóa 2 bên sông theo quy hoạch.
Dự án nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Hội An (Dự án thành phần HA/W3) có tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, đến nay nhà thầu đã hoàn thành công trình Cầu Thôn 3 tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) với kinh phí gần 274 tỷ đồng.
Sông Cổ Cò tại Km18+900 dừng nạo vét từ năm 2022 (Ảnh: V.Q) |
Đối với gói thầu Nạo vét sông Cổ Cò (Km14 - Km19+456, ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng), đến nay vẫn chưa thi công kể từ tháng 1/2022 do Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai không có mặt bằng mặc dù đã ký hợp đồng thi công trị giá hơn 32 tỷ đồng.
Do nguồn vốn ADB bị hủy mặc dù chưa sử dụng nên chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục bổ sung danh mục thực hiện gói thầu nạo vét sông Cổ Cò (Km14 - Km19+456) bằng nguồn vốn ngân sách địa phương (giai đoạn 2026 - 2030) với kinh phí dự kiến khoảng 168 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy cả 2 dự án nói trên được tỉnh Quảng Nam đầu tư để khơi thông dòng chảy tại sông Cổ Cò, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại Điện Bàn, Hội An, với tổng mức đầu tư đến 1.230 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa hoàn thành là điều khó hiểu. Chủ đầu tư cho rằng thời gian qua đã đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, diện tích đất vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay là quá lớn. |