Siết chặt kiểm tra và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt cả năm
Đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền đến tập huấn, kiểm tra… công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện Thanh Oai được thực hiện theo đúng quy định.
Cùng với tăng cường kiểm tra, tại các xã, thị trấn của huyện cũng đa dạng các hoạt động nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ chế biến, sản xuất đến lưu thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan của huyện phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm hàng tiêu dùng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chú trọng các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể... ; phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định ATTP theo quy định của pháp luật.
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024, huyện Thanh Oai đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, trong đó có 4 đoàn tuyến huyện và 21 đoàn tuyến xã, thị trấn. Từ ngày 15/4 đến nay, 4 đoàn tuyến huyện đã kiểm tra 31 cơ sở; xác định 3 cơ sở có vi phạm, đã tiến hành xử phạt hành chính tổng số tiền 24 triệu đồng.
Đoàn liên ngành số 2 về công tác ATTP của TP Hà Nội đi kiểm tra thực tế tại Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 |
Đối với tuyến xã, thị trấn, trong thời gian từ ngày 15/4 đến nay, các đoàn cũng đã kiểm tra được 176 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Căn cứ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, các đoàn tuyến xã, thị trấn đã xử phạt 3 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2,25 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: "Không chỉ vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, mà trong suốt cả năm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được huyện rất quan tâm, chỉ đạo triển khai thường xuyên. Trong đó, huyện chú trọng nhóm giải pháp thông tin, tuyên truyền và kiểm tra, xử lý các cơ sở có vi phạm".
Thay đổi nhận thức từ người sản xuất đến tiêu thụ
Bên cạnh duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra, huyện Thanh Oai cần tăng cường phối hợp giữa các ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện, nhất là trong công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các hộ kinh doanh, buôn bán ở các chợ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm.
Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế...
Đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) kiểm tra một số cơ sở sản xuất thực phẩm tại huyện Thanh Oai |
Để nâng cao chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện Thanh Oai xác định thay đổi nhận thức người dân, người sản xuất, kinh doanh là vấn đề mang tính mấu chốt.
Theo đó, hằng năm, huyện đều xây dựng các kế hoạch triển khai công tác an toàn thực phẩm, kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ, Tết và các lễ hội; kế hoạch kiểm tra các bếp ăn tập thể, kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, huyện đã triển khai hiệu quả mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 21/21 xã, thị trấn và duy trì hoạt động tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người.
Huyện chỉ đạo tăng cường hoạt động cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP đối với các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Trong việc thay đổi nhận thức của người dân thì các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm cũng được chú trọng. Đây là tiền đề để người dân tiếp cận được các kiến thức về an toàn thực phẩm.
Từ đó, đa số người tiêu dùng đã biết lựa chọn thực phẩm an toàn, phương pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã thấy được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm.