Người cao tuổi cảnh giác "tắc" bã thức ăn trong dạ dày
Người cao tuổi răng yếu cảnh giác với các loại thực phẩm khó tiêu hoá
Trường hợp một bệnh nhân lớn tuổi gần đây điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo người dân không nên chủ quan với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Bệnh nhân T.T.X (65 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) đến khám tại Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng của bệnh viện với các biểu hiện như đau bụng, đầy bụng, khó chịu và chán ăn kéo dài.
![]() |
Các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Qua nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện một khối bã thức ăn kích thước khoảng 4x4 cm trong dạ dày bệnh nhân. Theo thông tin từ bệnh sử, bệnh nhân có răng yếu và thường ăn các loại thức ăn khó tiêu như trái cây có nhựa. Đây là những thứ dạ dày khó tiêu hóa và có thể góp phần tạo thành khối bã.
Các bác sĩ và kỹ thuật viên của Trung tâm đã tiến hành nội soi để lấy toàn bộ khối bã ra khỏi dạ dày. Việc này giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tắc nghẽn, loét hoặc thủng dạ dày - những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Thủ thuật diễn ra thuận lợi, an toàn và bệnh nhân đã hồi phục tốt sau đó.
TS.BS Trần Thanh Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) giải thích rằng bã thức ăn dạ dày là một khối rắn hoặc nửa rắn hình thành từ thức ăn khó tiêu hoặc dị vật bị giữ lại lâu ngày trong dạ dày.
Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm ăn nhiều thực phẩm xơ cứng, trái cây có nhựa và chất khó tiêu như măng, rau sống, gân bò, trái cây xanh như hồng, hoặc do nuốt phải tóc, thuốc, sữa đông…
Tình trạng này thường diễn ra âm thầm và dễ bị bỏ qua vì các triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, khối bã có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét, chảy máu tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày.
Không chủ quan với dấu hiệu tắc bã thức ăn trong dạ dày
Những người có nguy cơ cao bị bã thức ăn dạ dày bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi có răng yếu, bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn hoạt động dạ dày, người đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc những người có thói quen ăn nhiều đồ ăn khó tiêu, trái cây xanh.
Đặc biệt, trẻ nhỏ hoặc người có rối loạn hành vi như ăn tóc, ăn đất cũng có thể gặp tình trạng này. Các dấu hiệu cảnh báo thường không rõ ràng, bao gồm đầy bụng, buồn nôn sau khi ăn, cảm giác khó tiêu, đau âm ỉ vùng bụng trên, ăn kém và sút cân.
Nếu khối bã lớn dần mà không được điều trị, người bệnh có thể bị nôn nhiều, tắc nghẽn tiêu hóa hoặc chảy máu tiêu hóa cấp tính. Khi đó, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức.
![]() |
Hình ảnh các khối bã thức ăn trong hệ tiêu hóa qua nội soi của bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
Để phòng tránh bã thức ăn hình thành trong dạ dày, TS.BS Trần Thanh Hà khuyến cáo mọi người nên duy trì thói quen ăn uống hợp lý, ăn chín, nhai kỹ, uống đủ nước và vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều xơ cứng hoặc trái cây xanh, đặc biệt đối với người lớn tuổi hoặc người có bệnh về tiêu hóa.
Những người mắc bệnh tiêu hóa mãn tính cần được theo dõi và điều trị thường xuyên. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần chú ý phát hiện và ngăn chặn các hành vi ăn uống bất thường như ăn tóc, ăn giấy, ăn đất… vì đây có thể là nguyên nhân gây ra các khối bã thức ăn nguy hiểm trong dạ dày.
TS.BS Hà nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là người dân không nên coi thường những triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi có các biểu hiện như đầy bụng, ăn kém, buồn nôn sau ăn nhiều ngày không rõ nguyên nhân, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được nội soi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc can thiệp đúng lúc có thể giúp người bệnh tránh được những biến chứng nghiêm trọng và bảo vệ sức khỏe lâu dài".
Do vậy, để phòng tránh việc tắc bã thức ăn trong dạ dạy, mọi người nấu ăn nên thái thức ăn nhỏ, dưới 1cm chiều dày và 4cm chiều dài để người cao tuổi có răng kém khi ăn ko mắc lại trong dạ dày. Đối với những món chất xơ như măng, với người không có hoặc răng yếu nên hạn chế ăn.
Nếu có những hiện tượng như đau bụng, buồn nôn, sau khi nuốt phải mảnh thức ăn lớn cứng (măng, cọng rau già..) hoặc ăn các chất chát dính như (tam thất, nghệ mật ong, hồng xiêm, chuối xanh…), nên đi đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.
Để phòng tránh tắc ruột với những món ăn nhiều chất xơ, các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi nên lưu ý về thời điểm ăn, bởi nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa, làm dính các sợi xơ thực vật, dễ tạo thành khối bã rắn chắc.
Vì vậy, nguyên tắc khi sử dụng các loại thực phẩm dễ gây chứng tắc ruột là cần ăn ổi, hồng ngâm khi đã no, không sử dụng khi đói.
Món măng cần nấu kỹ, nhừ, nhai kỹ khi ăn. Việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước/ngày), tăng cường vận động giúp ruột được lưu thông tốt hơn cũng là biện pháp hữu hiệu. Chế độ ăn bổ sung các loại rau xanh, mềm, có độ nhớt như: rau đay, mùng tơi, đậu bắp… giúp hệ tiêu hoá lưu thông thuận lợi.
Tin liên quan
Đọc thêm

Doanh nghiệp lợi dụng cơ chế "thông thoáng" tự công bố sản phẩm

Hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên toàn quốc

Chủ quán xin lỗi vì lòng xe điếu dài 40m chỉ là "câu view"

Tạm dừng hoạt động cơ sở sản xuất giò chả vi phạm ATTP

Thành lập 2 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa

Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả

Công ty TNHH Familyfood khắc phục các lỗi vi phạm về ATTP

Vụ án sữa giả: Vì lợi nhuận mà bất chấp, rất đáng lên án

Một nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh có mặt hàng sữa giả
