Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, ổn định đời sống người dân
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn và xảy ra tình trạng ngập lụt ở một số xã trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế thành phố Hà Nội, để chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão số 3, TTYT huyện Đan Phượng đã khẩn trương rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh; rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các xã bị ngập lụt ảnh hưởng do mưa lũ.
Phun hóa chất phòng chống dịch bệnh tại các trường học trên địa bàn huyện sau bão số 3 |
Đồng thời, các đơn vị củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành sau mưa lũ và ngập lụt.
Từ ngày 12 đến 15/9, TTYT huyện Đan Phượng đã tổ chức 2 đoàn giám sát, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo y tế về chất lượng nước dùng cho ăn uống sinh hoạt, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ ngập úng tại các xã bị ngập úng ven sông Hồng trên địa bàn xã Trung Châu và Hồng Hà.
Tại các buổi giám sát, các thành viên đoàn đã tích cực hướng dẫn người dân 2 xã phát hiện sớm dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra sau mưa lũ, ngập lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết... và đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...
Trong đó, Hồng Hà và Trung Châu là 2 xã có nhiều điểm bị ngập nặng nhất, chịu nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Cùng với đó, TTYT huyện cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn tại một số điểm bị ngập úng nặng sau khi nước rút.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng cho biết: Từ chiều 13 và sáng 14/9, Trung tâm đã cử cán bộ, nhân viên phối hợp cùng các xã, thị trấn tuyên truyền hướng dẫn người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước, khử khuẩn môi trường để phòng chống dịch bệnh.
Tại các hộ gia đình trong vùng ngập lụt, đoàn cũng với thăm hỏi, động viên và phát hoá chất Cloramin B và phèn chua và hướng dẫn người dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.
Các cán bộ y tế cũng hướng dẫn người dân tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; triển khai nhiều biện pháp xử lý nước nhằm đảm bảo nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt; hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ, ngập lụt nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần ngăn ngừa, hạn chế hậu quả về sức khỏe cho người dân trên địa bàn.