Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn trường học
Nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong trường học luôn được thành phố Hà Nội chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về ATTP.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều tỉnh, thành đã xảy ra các vụ ngộ độc tập thể nổi cộm với số lượng hàng nghìn người mắc.
Từ năm 2010 đến 2023, TP Hà Nội đã xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm và 712 người mắc, không có ca tử vong. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Hà Nội đã có 186 người bị ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong.
Toàn cảnh lớp tập huấn |
Mục đích của các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP và kiến thức, thực hành đúng về ATTP của các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để tăng cường phòng chống ngộ độc thức ăn, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.
Cùng dự có đại diện Trung tâm y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông và hiệu trưởng, đại diện các trường học các cấp đóng trên địa bàn quận; trao đổi các nội dung của buổi tập huấn có đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế).
Đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) truyền đạt các kiến thức về an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học |
Trong vai trò giảng viên của lớp tập huấn, đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết: Được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo và gắn trách nhiệm doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường hợp của TP luôn được đẩy mạnh, chặt chẽ. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định, cụ thể trong năm 2023 đạt tỉ lệ 84,5% cơ sở được kiểm tra.
Đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Ngộ độc thực phẩm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Đối với cá nhân, ngộ độc thực phẩm gây nhiều tốn kém như: Chi phí nằm viện, chi phí thuốc, chi phí cấp cứu, chi phí ngăn chặn bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe...
Người dân có nguy cơ thất thoát thu nhập, ảnh hưởng sức khỏe, mất việc làm, xáo trộn sinh hoạt trong gia đình. Ngộ độc thực phẩm cũng gây tổn thất của Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...
Trong năm 2023, qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học được nâng cao hơn.
Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng
Tại buổi tập huấn, đại diện các trường học đã được đồng chí Lê Thị Hằng trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh; đồng thời đại diện các trường học đã có cơ hội trao đổi và hỏi đáp tại hội trường rất sôi nổi và tiếp thu được nhiều các kiến thức cơ bản.
Hiệu trưởng, đại diện các trường học trên địa bàn Hà Đông trao đổi và hỏi đáp tại hội trường |
Bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể); nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể; lưu mẫu thức ăn theo quy định; lưu trữ các dữ liệu về bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể (nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm đã chế biến, hồ sơ sức khỏe, kế hoạch, báo cáo kêt quả kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm...). Các trường cần xây dựng phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng, đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: Thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Qua buổi tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các quy tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ các văn bản pháp luật về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học năm 2024; góp phần nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của các học sinh.