Thực hiện song song công tác phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an toàn thực phẩm
Xử lý mạnh tay nhà hàng không đảm bảo ATTP, phòng dịch Covid-19
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội cho biết, nhân “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021, TP đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 4 đoàn liên ngành ATTP của TP không tổ chức được nhiều cuộc kiểm tra.
Nhìn chung, qua công tác kiểm tra tại các quận, huyện, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhiều nhà hàng, quán giải khát đồ uống thực hiện giãn cách, đánh dấu rõ ghế ngồi và ghế không ngồi, với những bàn dài, các cơ sở đã làm tấm kính chắn. Đồng thời, các cơ sở cũng nhắc nhở khách hàng quét mã QR code khi vào mua hàng, khuyến khích khách hàng mua online.
Đoàn kiểm tra các giấy tờ về an toàn thực phẩm tại nhà hàng 145 Bùi Thị Xuân |
Đoàn của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh đồ uống The Coffee House (259 Kim Mã, quận Ba Đình) |
Với khách hàng ngồi tại cửa hàng cần phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, các cơ sở phải tăng cường công tác vệ sinh, đặc biệt, nhân viên pha chế đồ uống, nhân viên khu vực bếp phải đội mũ để đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt, các cơ sở sai phạm cũng được xử lý mạnh tay.
Ngày 18/5, Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra đột xuất về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Tại nhà hàng Kampong - cơm gà Hải Nam (N5D, Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân), đoàn kiểm tra phát hiện nhà hàng còn một số vi phạm quy định về kinh doanh bảo quản thực phẩm như: Khu vực bếp vẫn có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, cơ sở vật chất không gian bếp còn có chỗ bong tróc...
Qua kiểm tra, đoàn đã xử phạt 4 triệu đồng đối với cơ sở nhà hàng Kampong - cơm gà Hải Nam (N5D, Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân) do lỗi có côn trùng trong khu vực chế biến thực phẩm |
Về quy định phòng, chống dịch Covid-19, nhà hàng chưa đặt mã QR Code khai báo y tế ngoài cửa... Qua đó, đoàn kiểm tra đã xử phạt 4 triệu đồng đối với cơ sở do lỗi có côn trùng trong khu vực chế biến thực phẩm.
“Hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP hạn chế tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch song song với phát triển kinh tế, xã hội, nếu các nhà hàng đảm bảo điều kiện phòng chống dịch thì vẫn có thể hoạt động.
Còn với những nhà hàng không chấp hành, đảm bảo phòng chống dịch cũng như không đảm bảo ATTP, chúng tôi kiến nghị các đơn vị, địa phương xử lý mạnh, thậm chí là yêu cầu dừng hoạt động", ông Tuấn nêu rõ.
Bảo đảm ATTP trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị phòng y tế và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Chi cục ATVSTP yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ và nghiêm túc yêu cầu về điều kiện ATTP theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế; Chỉ những cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định mới được phép hoạt động.
100% nhân viên nhà hàng Cheering beer (2 Lý Thường Kiệt) đeo khẩu trang, các bàn ăn giãn cách và có tấm chắn đúng quy định |
Một số nội dung cần thực hiện để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19: Đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống, vận chuyển phải đeo khẩu trang. Những người có một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở. Các cơ sở thực hiện kiểm soát y tế đối với khách hàng bằng mã QR code theo quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng; Có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.
Khu vực ăn uống trong nhà yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn thường xuyên theo quy định, phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m, có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi.
Khách hàng tại Nhà hàng Hatoyama (13 Lý Thường Kiệt) thực hiện quét mã vạch khai báo y tế |
Đối với người ăn, uống yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn, uống; Giữ vệ sinh; Thực hiện khai báo y tế bằng mã QR code thông qua các phần mềm trên điện thoại thông minh.
Các cơ sở thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh bệnh viện chỉ được bán hàng mang về.
Trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với người dân: Các cơ sở tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng, đảm bảo sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Việc tích trữ thực phẩm, nếu bảo quản không đúng cách sẽ làm hỏng thực phẩm không đảm bảo ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người dân nên lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán tại các cơ sở được phép kinh doanh thực phẩm và được các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP kiểm tra thường xuyên.
Người dân phải đeo khẩu trang khi đi mua thực phẩm; Rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm tay trực tiếp vào động vật tươi sống hoặc các sản phẩm từ thịt động vật; Tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc các loại thịt đã hư hỏng; Tuyệt đối tránh tiếp xúc với động vật hoang dã và không tiếp xúc với khu vực chứa rác, chất thải động vật.
Khi chế biến thức ăn, người dân tuyệt đối không dùng chung dao, thớt giữa thực phẩm sống và thức ăn chín; Không ăn thịt động vật chết vì bệnh, tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Các loại thịt, trứng gia cầm cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo các mầm bệnh đã được tiêu diệt.
Các cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm ATTP và phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan.