Thực phẩm ăn nhanh và những hiểu lầm với sức khỏe
Thực phẩm ăn nhanh có từ lâu đời
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Thực phẩm ăn nhanh trong xã hội hiện đại với sức khỏe con người", do Viện Y học ứng dụng Việt Nam (thuộc Tổng Hội Y học Việt Nam) tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết TPAN đã có mặt từ rất lâu, góp phần thay đổi nhiều khái niệm về dinh dưỡng, ẩm thực của toàn thế giới.
TS. BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã nêu bật xu hướng phát triển của thực phẩm ăn nhanh tại hội thảo. |
"Thực tế, TPAN rất đa dạng, chứ không chỉ là hamburger, gà rán, pizza hay thịt nguội. Ở một số quốc gia, các món bún, phở, miến, mỳ... đặc trưng của Việt Nam cũng được xếp vào danh sách TPAN, mặc dù để nấu được một bát bún, tô phở không hề "nhanh", ông Sơn nói.
Theo Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, TPAN chiếm lĩnh một phần quan trọng trong nền ẩm thực không chỉ bởi tính tiện lợi. Trái lại, TPAN thực chất có khả năng kích thích vị giác rất mạnh đối với người ăn.
"Trải qua quá trình phát triển lâu dài, các nhà kinh doanh đã đầu tư nghiên cứu, tìm cách cải thiện TPAN không chỉ về chất lượng, yếu tố ngon miệng mà còn cả việc bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Đơn cử như gà rán ở các cửa hàng ăn nhanh hiện sử dụng hàng chục loại gia vị, có quy trình chế biến bí mật mà không nhà nội trợ thông thường nào có thể làm giống 100%", ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, TPAN còn có một yếu tố mang tính quyết định: khả năng bảo quản lâu, thích hợp trong nhiều hoàn cảnh. "Thời gian qua, các loại TPAN đóng gói vẫn chiếm lợi thế trong những đợt cứu trợ hướng về miền Trung nước ta. Trong khi đó, các loại đồ ăn như bánh chưng, dù chế biến rất cẩn thận, vận chuyển cấp tốc... nhưng vẫn bị hỏng chỉ sau vài ngày", TS.BS Trương Hồng Sơn cho hay.
Mì ăn liền có gây nóng người thậm chí ung thư?
Theo thống kê của Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới, trong năm 2019, đã có hơn 106 tỷ gói mỳ ăn liền được tiêu thụ trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là nước đứng thứ năm trong số các quốc gia tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới với khoảng hơn 5,4 tỷ gói mỗi năm.
PGS, TS, BS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, nhận định, hiện có nhiều cách hiểu sai về TPAN nói chung và mỳ ăn liền nói riêng, dẫn đến việc sử dụng sai cách, thậm chí bị lạm dụng, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
PGS, TS, BS Lê Bạch Mai trình bày tham luận về tác động của mỳ ăn liền trong cuộc sống hiện đại. |
"Nhiều người tin rằng, mỳ ăn liền sử dụng các chất hóa học, chất bảo quản để giữ được lâu, vắt mỳ có màu đậm là bởi chiên bằng dầu cũ, đã sử dụng nhiều lần... Thực tế, màu sắc của vắt mỳ được chiết xuất từ củ nghệ nhằm kích thích khẩu vị. Ngoài ra, mỳ ăn liền đơn thuần đã được rút tối đa hàm lượng nước và độ ẩm nhằm hạn chế vi khuẩn, vi sinh vật có hại", bà Lê Bạch Mai nói.
PGS, TS, BS Lê Bạch Mai dẫn các nghiên cứu cho hay, tình trạng khó tiêu vẫn thường được đổ lỗi do mỳ ăn liền chỉ có thể xảy ra khi sử dụng trong thời gian kéo dài. Đồng thời, hiện tại trên thế giới chưa ghi nhận bất cứ nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định sử dụng mỳ ăn liền gây ung thư, sỏi thận.
"Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm, thiếu dinh dưỡng, hoặc hơn nữa là có lối sống thiếu khoa học, mắc các bệnh đường tiêu hóa, đang sử dụng thuốc... thì bất cứ ai cũng sẽ bị khó tiêu, chứ không phải chỉ do mỳ ăn liền", bà Mai đánh giá.
Đồng tình với ý kiến nêu trên, có chuyên gia tại Hội thảo dẫn các nghiên cứu của WHO cho biết, bún, miến, phở chứa khoảng 3,3-6,2g muối, còn TPAN nói chung có từ 0,9-1,3g muối. Vì vậy, một số quốc gia đã xây dựng đề án hạn chế lượng muối để biến TPAN thành một trong những giải pháp giảm tiêu thụ muối chế độ ăn của người dân.