Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiên tiến
Hình thành nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã
Sáng nay (25/11), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về thực trạng các loại hình hợp tác xã nông nghiệp, theo đó, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.235 hợp tác xã nông nghiệp gồm 1.090 hợp tác xã đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 11,8%). Trong tổng số 1.090 hợp tác xã đang hoạt động có 790 hợp tác xã tổng hợp, 222 hợp tác xã trồng trọt, 50 hợp tác xã chăn nuôi, 21 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 1 hợp tác xã lâm nghiệp, 6 hợp tác xã nước sạch nông thôn.
Nông dân HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thu hoạch cà chua |
Kết quả phân loại hợp tác xã năm 2019 của các quận, huyện, thị xã có 947 hợp tác xã nông nghiệp đánh giá phân loại, trong đó có 183 hợp tác xã được xếp loại tốt (chiếm 19,3%), 403 hợp tác xã được xếp loại khá (chiếm 42,6%), 334 hợp tác xã xếp loại trung bình (chiếm 35,3%) và 27 hợp tác xã xếp loại yếu (chiếm 2,8%).
Đặc biệt, những năm gần đây, Hà Nội hình thành nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã. Tổng số hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã là 718 được thành lập trước khi có Luật Hợp tác xã năm 2012 và đã chuyển đổi 100% theo Luật. Trong đó phân loại Tốt 130 (chiếm 18,1%); Khá 327 (chiếm 45,5%); Trung bình 234 (chiếm 32,6%); Yếu 27 (chiếm 3,8%). Chủ yếu là loại hình hợp tác xã tổng hợp.
Đáng nói, hợp tác xã quy mô thôn, xã (hợp tác xã kiểu cũ) đã làm khá tốt vai trò của mình để cùng khu vực kinh tế tập thể trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển rầm rộ, hiện nay hoạt động của loại hình này lại đang khá trầm lắng.
Hợp tác xã quy mô thôn, xã có số lượng thành viên lớn nhưng thành viên chưa thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển hợp tác xã. Thành viên không góp vốn điều lệ, cho nên hoạt động hằng năm của hợp tác xã chỉ trông vào các dịch vụ truyền thống và nguồn tiền Nhà nước cấp hỗ trợ thủy lợi phí mà chưa có các dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm hoặc rất ít hợp tác xã làm được...
Những năm gần đây, Hà Nội hình thành nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã hoạt động khá hiệu quả |
Nói về vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ cho người nông dân thuận lợi và yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Đồng thời, hợp tác xã cũng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động.
Hiện nay, toàn Thành phố có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 31 hợp tác xã với 106 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp
Có thể thấy rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã của Thủ đô Hà Nội ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật, các hợp tác xã đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình. Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.
Các mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các hợp tác xã đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc: tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, nhiều hợp tác xã đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh |
Đặc biệt là đối với hợp tác xã thôn, xã sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 có người đứng đầu có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường, có số lượng thành viên hợp tác xã với quy mô vừa (dưới 1000 thành viên); Đa dạng dịch vụ hoạt động (tối đa 10-12 dịch vụ) phục vụ thành viên hợp tác xã và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập thành viên, phát huy vai trò cộng đồng giúp nông dân trên địa bàn xã các dịch vụ truyền thống ổn định tổ chức sản xuất ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề ra bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiên quyết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hợp tác xã, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, Luật hợp tác xã năm 2012 và các văn bản pháp quy có liên quan.
Đồng thời tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các hợp tác xã mở rộng quy mô, phạm vị, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản...
Tại buổi hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2015. Để từ đó các bộ ngành, địa phương có cơ sở tham mưu ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan phát triển kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng.