Xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố kiểm tra việc kẻ vạch sơn, cắm biển báo giao thông đường bộ tại các vị trí đã được cấp phép tạm thời trông giữ phương tiện dưới lòng đường, gầm cầu theo đúng quy định; Kịp thời báo cáo về Sở khi phát hiện các hành vi vi phạm và đề xuất phương án giải quyết.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các đơn vị chức năng định kỳ ngày 20 hằng tháng phải báo cáo về Sở kết quả kiểm tra, giám sát.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa yêu cầu lực lượng Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện |
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị trông giữ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động trông giữ tạm thời phương tiện giao thông và các nội dung đã được quy định trong giấy phép do Sở cấp về vị trí, kích thước vạch sơn của sơ đồ kèm theo giấy phép, vị trí lắp đặt biển báo hiệu, biển niêm yết giá dịch vụ trông giữ…
Giấy phép phải để tại điểm trông giữ phương tiện và xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của các lực lượng chức năng liên quan.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, rất nhiều tuyến đường trên địa bàn có vỉa hè bị lấn chiếm vào mục đích riêng như: Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm), Đào Tấn (quận Ba Đình)...
Hầu hết các trường hợp vi phạm là các cửa hàng trà chanh, trà đá, quán lẩu, bia... Chủ quán và nhân viên thản nhiên kê thêm bàn, ghế ra ngoài vỉa hè khi lượng khách bên trong quá tải. Thậm chí, một số nơi trong quán rất vắng nhưng phần vỉa hè trước quán vẫn đông đúc do tâm lý khách hàng thích “ngồi ngoài thoáng”.
Bên cạnh đó, một số tuyến đường gọn gàng vào ban ngày nhưng ban đêm các quán nước vỉa hè lại mọc lên như "nấm sau mưa". Người đi đường không khó để bắt gặp những quán nước di động không bàn, không đèn điện thắp sáng, chỉ một chiếc xe kéo cùng cả trăm chiếc ghế nhựa rải kín khắp vỉa hè, kéo dài hàng chục mét.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị trông giữ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động trông giữ tạm thời phương tiện giao thông |
Dù có khách ngồi hay không thì những chiếc ghế luôn ở trong tình trạng chờ sẵn. Một số người còn để cả xe đẩy xuống lòng đường, bán các loại đồ ăn nhanh như xôi, ngô, xúc xích... phục vụ tại chỗ và mang về.
Những quán cóc vỉa hè dẹp trước, tái phạm sau, lúc ẩn lúc hiện gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý trật tự. Điển hình là ở đoạn đường Tôn Thất Tùng, Trường Chinh hay các tuyến vỉa hè xung quanh Hồ Tây...
Không chỉ kinh doanh, việc tranh thủ chiếm vỉa hè còn diễn ra với nhiều hình thức khác như: Đặt biển hiệu, mái che chiếm không gian, thậm chí là đậu cả ô tô lên vỉa hè... Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn cản trở giao thông. Người đi bộ không còn cách nào khác đành đi xuống lòng đường, dẫn đến những rủi ro liên quan đến tai nạn.
Thời gian tới, lực lượng liên ngành tiếp tục tổ chức đoàn đi kiểm tra đột xuất tại các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn trong việc triển khai xử lý vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng. Trong đó, đoàn kiểm tra tập trung chủ yếu trong việc lập lại trật tự đô thị trên lòng đường, hè phố; Xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép, thu phí trông giữ xe sai quy định; Vi phạm về dừng đỗ dưới lòng đường, trên vỉa hè.