9X biến gỗ vụn thành mô hình nhà mini
Những kênh YouTube thú vị tạo động lực và cảm hứng cho giới trẻ Bạn trẻ bày tỏ suy nghĩ về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội Những nhà báo trẻ xông pha “trận tuyến” chống dịch |
Đó là câu chuyện về niềm đam mê của Trần Minh Tân (27 tuổi), cựu sinh viên trường Cao đẳng Trang trí mỹ thuật Đồng Nai. Hơn hai tháng qua, anh đã bắt đầu tìm hiểu và làm ra những mô hình nhà gỗ với đủ mẫu mã, kiểu dáng thuần mộc. Từ những lát gỗ vụn bỏ đi ở những xưởng gỗ hay xưởng đồ thủ công mỹ nghệ, anh đã hô biến chúng thành những sản phẩm độc đáo.
Trần Minh Tân và đam mê biến vụn gỗ thành tác phẩm mang văn hóa Việt Nam |
Vốn có khiếu về mỹ thuật, hội họa và thích mày mò sáng chế từ những đồ phế thải, trong một lần tình cờ lướt trang tin nước ngoài, Minh Tân nảy ra ý tưởng làm mô hình từ những miếng gỗ vụn nhỏ. Đây vừa là nguyên liệu dễ kiếm, vừa không tốn tiền mua, anh bắt đầu lên ý tưởng và làm mô hình mô phỏng những kiến trúc đã từng gặp qua trải nghiệm du lịch xuyên Việt của mình.
Mỗi ngày, sau khi kết thúc công việc chính ngoài công trường, anh sẽ dành thời gian 1 đến 2 tiếng chăm chút, mê mẩn góc nhỏ của mình. Gắn bó với đam mê làm đồ thủ công từ những năm tháng cấp 3, anh cho rằng đây là một nghệ thuật đặc biệt.
Mỗi tác phẩm chứa đựng sự tỉ mỉ và cẩn thận của chàng trai 9x |
“Khi bắt đầu tìm hiểu về handmade, mình đã biết làm những món quà đầu tiên tặng người yêu như khắc bút chì, nhà gỗ, nhà tăm tre. Dần dần qua thời gian học thiết kế, décor, mình càng nâng cao tay nghề hơn và cũng biết nhiều kỹ năng hơn để làm nhiều món đồ phức tạp khác. Mỗi khi hoàn thành và nhìn ngắm lại thành phẩm của mình, cảm giác rất tuyệt vời và giải tỏa stress", anh Tân chia sẻ.
Anh Tân cho biết mỗi miếng gỗ với kiểu dáng, màu sắc, đường vân khác nhau tạo cho anh cảm giác muốn sáng tạo. Mô hình này nhìn tuy có vẻ dễ làm nhưng thật ra khi sắp xếp, phối màu, thêm vào những chi tiết phụ họa cũng là một nghệ thuật. Người làm cần biết cách tạo hình làm sao từ miếng gỗ thô cứng cho nó có cảm giác thật và sinh động nhất .
Các tác phẩm chứa đựng sự độc đáo và nét kiến trúc tại các tỉnh thành tại Việt Nam |
Dù đã từng tiếp xúc nhiều loại chất liệu khác nhau, nhưng với anh, gỗ luôn đem lại cảm giác gần gũi và nhiều cảm hứng sáng tạo nhất. Những miếng gỗ ngang dọc, xiên xẹo, không theo hình khối cũng có một hình dáng riêng để anh tận dụng, có cái thì dùng làm đế đặt bàn, cái thì dùng làm nhà, tàu lửa...
Ngoài gỗ, anh còn tận dụng thêm nhiều vật phẩm tái chế khác như xác lá, vỏ các loại hạt, ống hút, đinh thép cũng nhặt nhạnh khắp nơi để tiểu cảnh thêm hoàn thiện và bắt mắt hơn. Từ những mảnh gỗ thô sơ, anh bắt đầu mài và cưa, xử lý phần hư hỏng sau đó đem phơi nắng rồi tiến hành sơn màu, tạo hình...
“Mỗi người thợ đều có một phong cách nhất định thể hiện trong sản phẩm của mình, trong quá trình làm mình cố gắng giữ nét mộc nhiều nhất có thể. Mình thích hình ảnh giản dị, nhuốm màu thời gian nên thường làm các chi tiết giả gỗ, rỉ sét, có màu cũ kĩ và bụi bặm một tí", Minh Tân chia sẻ thêm.
Không chỉ là đam mê, công việc này cũng mang thêm thu nhập cho chàng trai 9x |
Là một người mê du lịch, anh thường tận dụng trí nhớ và óc tưởng tượng từ các vùng đất đã đi qua để thổi hồn vào sản phẩm mô hình. “Làm sao màu sắc thật hài hòa, cách bố trí các chi tiết nhìn y như thật, đó là những câu hỏi nhắc nhở mình phải hoàn thành thật chỉn chu. Chỉ khi mình hài lòng thì khách hàng nhận sản phẩm mới có thể thích thú”, anh bày tỏ.
Ngoài công việc chính là thiết kế nội thất, trung bình mỗi tháng anh có thể kiếm được vài triệu đồng từ công việc làm đồ thủ công này. Đến nay anh đã làm hơn 70 mô hình lớn nhỏ, mỗi cái có giá dao động từ 250.000 - 500.000 đồng tùy vào độ khó và chi tiết tiểu cảnh .
Trong thời gian tới, chàng trai 27 tuổi dự định sẽ làm thêm nhiều mô hình mang đậm bản sắc Việt Nam, hội tụ kiến trúc đặc sắc 3 miền Bắc, Trung, Nam để giới thiệu văn hóa, kiến trúc của mỗi vùng trên đất nước đến khách du lịch.