Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm
Hà Nội hiện có khoảng 10,3 triệu người dân sinh sống, làm việc. Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm rất lớn. Dù vậy, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp chưa thể đáp ứng 100% nhu cầu đối với một số ngành hàng như: Gạo, thịt trâu bò, thuỷ sản và rau xanh. Các sản phẩm khác mà Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ phục vụ người dân gồm: Thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Do đó, để bảo đảm cho người dân đón Tết vui tươi, nhất là an toàn về thực phẩm, các cơ quan chức năng tại các địa phương đang tập trung thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 83 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Năng lực sản xuất thực phẩm của thành phố hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và từ nước ngoài.
Thành phố Hà Nội đã phối hợp 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời đã xây dựng được hơn 140 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn của thành phố.
Thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán |
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã thành lập 676 đoàn, trong đó có 14 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến thành phố, 83 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn.
Ðến nay, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 9.173 cơ sở, trong đó phát hiện 947 cơ sở vi phạm, phạt 366 cơ sở, với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Thiếu giấy khám sức khỏe người lao động; Giấy phép kinh doanh...
Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Qua kiểm tra cũng cho thấy, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm cho nên lượng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm cung cấp đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa cung cấp đến các điểm bán lẻ còn ít.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định như: VietGAP, VietGHAP, GMP, HACCP, ISO 22000...
Lực lượng liên ngành kiểm tra, lấy mẫu test nhanh thực phẩm tại chợ dân sinh |
Ðáng chú ý, một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác an toàn thực phẩm, nhất là cấp xã, phường, cho nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở cho nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ít được cải thiện...
Ðể bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, thành phố đã sớm thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các đoàn sẽ kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau củ, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, trong bối cảnh dịch COVID-19, Hà Nội cơ bản bảo đảm được hai mục tiêu là đáp ứng đủ về sản lượng và quản lý tốt chất lượng nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Thành phố đã phân cấp rất rõ trách nhiệm, do đó các sở ngành có sự vào cuộc tích cực. Nhờ đó vấn đề an toàn thực phẩm của Hà Nội cơ bản được bảo đảm tốt, không phát sinh vụ việc phức tạp.