Bún cá - món ăn không thể bỏ lỡ với những cổ động viên tới Hà Nội theo dõi SEA Games 31
Dẻo thơm bánh trái Tết xưa Hương vị Tết từ làng nghề bánh tẻ Làng cổ Đường Lâm tất bật nấu chè Lam đón Tết Rộn ràng sức xuân tại làng nghề bánh đa nem Tiến Thịnh Dẻo thơm hương cốm thu Hà Nội |
Mới đây, Việt Nam được xác nhận là nước sở hữu nhiều món ăn về "sợi và nước" hấp dẫn nhất thế giới. Bên cạnh những món ăn nổi tiếng được nhiều bạn bè quốc tế biết đến như phở, bún chả... sẽ thật thiếu xót nếu bỏ qua bún cá.
Không biết từ khi nào bún cá đã trở thành một nét ẩm thực độc đáo và thu hút nhiều người sành ăn đến vậy. Để phù hợp với khẩu vị mỗi nơi, bún cá đã được biến tấu, ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam, bún cá mang màu sắc riêng, những cung bậc vị giác khác nhau tạo ra sự đa dạng cho nền ẩm thực Việt.
Nếu miền Trung, bún cá mang đậm hương vị của biển, miền Nam lại đậm đà hương sắc đồng ruộng thì miền Bắc mang sự dân dã, bình dị. Tô bún miền Bắc được chế biến với những nguyên liệu mộc mạc, dễ tìm như cá rô, dọc mùng…
Đi dọc các tuyến phố Hà Nội không khó để bắt gặp những quán bún cá mọc với hương vị hấp dẫn. Dù vậy, không phải quán nào cũng có thể mang đến cho thực khách bát bún cá ngon, đẹp, hấp dẫn về màu sắc, hương vị lẫn giá cả hợp lí.
Tại ngõ nhỏ 418 Đê La Thành, đi sâu vào trong có tới 3 quán bán bún cá, trong đó nổi bật nhất là quán bún cá Văn hóa. Tại đây, hương vị hấp dẫn của bát bún cá không lẫn vào đâu được. Để có một bát bún ngon nhất định phải có một nồi nước lèo ngon bởi nó chính là linh hồn làm nên tất cả. Tuy cách chế biến không cầu kì nhưng đòi hỏi người nấu sự tỉ mỉ, cẩn thận.
Nước dùng ở quán bún cá Văn hóa được nấu chủ yếu từ nước hầm xương ống, xương cá rã ra sau đó được lọc để giữ lại vị ngọt tự nhiên và vị chua của dấm bỗng. Nước lèo ngon hay không đều dựa vào sự kết hợp hài hòa giữa độ ngọt từ xương và độ chua từ dấm bỗng, đòi hỏi người nấu phải có sự cảm nhận nhạy bén, tinh tế từ kinh nghiệm nấu ăn của mình.
Cuối cùng, người nấu cho thêm một vài quả cà chua để có màu nước đẹp cùng vài lát gừng, ớt để át đi mùi tanh; Ngoài ra còn có một số loại gia vị để cân bằng hương vị.
Nếu nước lèo là nền của bức tranh thì cá sẽ là điểm nhấn tạo nên sự ấn tượng cho nó. Cá rô tươi được tách xương cẩn thận. Thịt cá sau khi tách khỏi xương sẽ được thái thành miếng vừa ăn, ướp thêm gia vị sau đó chiên qua với dầu. Cá sau khi chiên có màu vàng đẹp mắt, giòn tan, thơm ngậy, đặc biệt là không còn mùi tanh.
Bún tươi được chần qua nước dùng rồi cho vào bát, sau đó cho cá, đậu chiên, điểm xuyết chút hành lá rồi chan nước lèo. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh ẩm thực hài hòa, đầy đủ màu sắc, thu hút mọi người từ cái nhìn đầu tiên. Sợi bún mềm thêm nước dùng ngọt thanh, miếng cá béo thơm, giòn tan cùng hương gừng quyến rũ, thêm vị của hành lá, ăn kèm rau sống như tía tô, rau thơm, rau cải tươi thì thật tròn vị… làm say mê bao thực khách.
Chủ quán chia sẻ quán bún đã mở bán được 6 năm. Thời gian mở hàng từ 7h sáng đến 20h tối. Khách hàng chủ yếu của quán là sinh viên, người lao động và nhân viên văn phòng... Giá thành bún cá ở đây tương đối rẻ, chỉ 25 ngàn đồng/bát. Chị chủ quán cho biết thêm: "Quán không tính ngày bán được bao nhiêu bát mà chỉ cần được phục vụ và đem đến cho mọi người bữa ăn ngon là vui rồi”.
Nhận xét về bún cá Văn hóa, bạn Nguyễn Thị Cúc (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mình ăn ở đây nhiều lần rồi, bún cá vừa ngon, vừa rẻ, phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là sinh viên…".
Là thực khách thường xuyên đến quán, chị Lê Hà nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Một tuần, mình và đồng nghiệp đến đây ăn 2 - 3 lần. Mình đã trở thành khách quen của quán bún cá này”.
Quả thực, đây là món ăn ngon mà khi đến với Hà Nội, bạn nên thử một lần. Bún cá rất dễ ăn, lành tính bởi nguyên liệu đơn giản, phổ biến mà vẫn đáp ứng đủ năng lượng, dinh dưỡng cho cơ thể.