Chàng trai người Dao quyết chí xây dựng quê hương
Khởi nghiệp với "Gối dược liệu người Dao" Tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao |
Dù ngọt hay chua, quê hương vẫn là cây khế
Xã Vinh Tiền nằm cách huyện lị của Tân Sơn (Phú Thọ) khoảng 30km. Từ trung tâm vào đến các bản của xã Vĩnh Tiền chỉ có duy nhất một con đường chạy ngoằn ngoèo như một dải lụa mỏng vắt vẻo trên sườn núi xanh ngằn ngặt. Dân cư của Vĩnh Tiền khá thưa thớt, vỏn vẹn khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Mường và mấy chục hộ người Kinh.
Chàng trai người Dao Duong Kim Anh làm giàu trên quê hương Tân Sơn |
Từ xưa, đời sống của người dân tộc Dao khá bấp bênh, nguồn sống chủ yếu dựa vào những thửa ruộng bé như tàu lá nằm sát mép suối. Cái ăn thiếu thốn, nên cái ở cũng khó khăn. Hiếm có gia đình nào đủ điều kiện để dựng nhà gỗ - để tích lũy đủ số gỗ làm nhà, họ phải gom góp, tích lũy hàng chục năm. Nếu không có nhà gỗ, các gia đình người Dao đành chấp nhận sinh hoạt trong những ngôi nhà dựng bằng phên nứa, đắp đất, lợp lá cọ - tiếng Dao gọi là “gẳng pằng gẳng thin”.
Những chuyện như vậy, hiện giờ chỉ còn tồn tại trong ký ức của đồng bào người Dao ở Vinh Tiền. Thời đại mới, kinh tế khấm khá hơn, người Dao ở Vinh Tiền đã có thể xây dựng nhà bằng gạch đỏ hoặc phổ biến hơn là sử dụng gạch ép không nung. Đó chính là cơ hội làm giàu mà chàng trai Dương Kim Anh (SN 1991) nắm bắt từ 5 năm trước.
Nhà truyền thống của người Dao là nửa sàn, nửa đất |
Không giống như cái tên rất nữ tính, Kim Anh là một thanh niên vạm vỡ, cao lớn. Mái tóc tua tủa như rễ tre và gương mặt sạm đen chứng tỏ Kim Anh đã trải qua không ít vất vả dù mới tròn 30 tuổi. Kể về cuộc đời mình, Kim Anh nói: “Tôi sinh ra trong gia đình làm nông nghèo. Nói chung, tôi chịu nhiều vất vả từ lúc còn tấm bé. Bố mẹ cũng cố gắng cho tôi học hết cấp 3 để kiếm cái chữ. Sau khi tốt nghiệp THPT, gia đình không đủ khả năng để tôi tiếp tục việc học nữa, tôi đành đi làm thuê tại Hà Nội để mưu sinh. Cuộc sống lao động xa nhà cơ cực lắm, công việc nặng nhọc nhưng vẫn không đủ tiền lo cho gia đình. Nhiều đêm, vắt tay lên trán, tôi trăn trở: Tại sao mình phải tha hương như thế này? Tại sao không thể sống, làm giàu trên chính mảnh đất của ông cha để lại? Quê hương là chùm khế ngọt cơ mà, dù có chua thì vẫn là chùm khế mới phải chứ!”.
Năm 2015, Kim Anh quyết định về quê lập nghiệp. Qua sự tư vấn của gia đình và bạn bè, anh đã xây dựng mô hình xưởng sản xuất và bán vật liệu xây dựng. Sản phẩm gạch éo không nung – tận dụng đá thải từ các mỏ khai thác trên địa bàn – được người dân trong xã đón nhận. Thấy cơ hội làm ăn, anh đầu tư máy móc để nâng cao năng lực sản xuất. “Mỗi ngày, tôi làm ra từ 1.200 – 1.500 viên gạch ép không nung. Hầu như làm ra tới đâu, bán hết tới đó” – Kim Anh tự hào nói.
Hết lòng vì cộng đồng
“Quê hương đã cho tôi trái ngọt”, chàng trai người Dao chia sẻ: “Mỗi viên gạch có giá 1.800 - 2.000 đồng, tôi chịu trách nhiệm vận chuyển đến chân công trình. Tính ra, sau khi trừ vật liệu, nhân công và tiêu hao máy móc, tôi thu về cũng trên dưới 200 triệu mỗi năm. Đó là số tiền mơ ước đối với tôi”.
Gần đây, ngoài sản xuất gạch, Kim Anh đã mở rộng cơ sở để kinh doanh vật liệu xây dựng. Từ sự kết nối của Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Sơn, Kim Anh mạnh dạn vay vốn từ nguồn Dự án 120 với số tiền 198 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế với mô hình xưởng sản xuất và bán vật liệu xây dựng.
Nhờ sự hỗ trợ của Huyện đoàn Tân Sơn (Phú Thọ), Kim Anh có thể mở rộng quy mô sản xuất |
Dự án phát triển về quy mô và cung ứng vật liệu xây dựng với giá thành cạnh tranh, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Nói về những dự định trong tương lai, Kim Anh cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô phát triển kinh tế để tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho thêm nhiều đoàn viên, thanh niên và người dân. Ðể làm được điều đó, tôi mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp bộ Ðoàn về nguồn vốn và khoa học kỹ thuật”.
Khi đã kiếm ra tiền trên quê hương, Kim Anh không quên nghĩ đến việc làm gì đó để nâng cao đời sống của cộng đồng người Dao. Đầu năm 2020, khu Lương Sơn (xã Vinh Tiền) chuẩn bị khởi công xây dựng nhà văn hóa nhưng không tìm được địa điểm hợp lý. Không đắn đo nhiều, ngày 4/3/2020, Kim Anh đã tự nguyện hiến 653m2 đất thổ cư của gia đình cho khu xây dựng nhà văn hóa. “Tôi mong muốn nhà văn hóa mới được xây dựng ở địa điểm đẹp và hợp lý hơn. Bà con và các cháu bé sẽ có được địa điểm sinh hoạt cộng đồng tốt hơn. Như vậy, tôi cũng đủ hạnh phúc rồi!”.
Chị Đinh Thị Tuyết Mai, Bí thư Huyện đoàn Tân Sơn (Phú Thọ) nhận định: Đoàn viên Dương Kim Anh là tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương. Những khởi sắc trong phát triển kinh tế của thanh niên dân tộc cho thấy vai trò của tổ chức Đoàn trong phong trào xung kích lao động sáng tạo, đồng hành cùng thanh niên trong lập nghiệp, qua đó, tập hợp được đông đảo thanh niên vào tổ chức Đoàn - Hội. |