Tag

Chuyện chưa kể về những ngày sinh tử cùng SARS-CoV-2

Nhịp sống trẻ 19/03/2020 10:45
aa
Những ngày chạy đua cùng thời gian, chạy đua với cả virus SARS-CoV-2 (tên loại virus gây ra dịch Covid-19), Đại úy – Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng cùng đồng đội đã làm việc trong phòng thí nghiệm từ sáng đến đêm. Dù đã tự nguyện ghé vai gánh lấy gánh nặng, song nhóm của chị vẫn thấy áp lực mỗi khi nghe thủ trưởng hỏi “những giờ qua, các anh chị đã làm được gì”.

Chuyện chưa kể về những ngày sinh tử cùng SARS-CoV-2

Nhóm nghiên cứu nữ của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự

Ăn cơm hộp, đón Tết cùng virus

Những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và hoành hành trên toàn thế giới, kit phát hiện virus SARS-CoV-2 lại càng thêm ý nghĩa, giá trị. Với độ chính xác cao, nhiều quốc gia đã đặt mua kit thử của Việt Nam. Trong tuần này, 7.500 test thử đầu tiên sẽ xuất khẩu sang Phần Lan và Ukraina. Sau thành quả đó, là rất nhiều câu chuyện bây giờ mới được kể ra, có sự nhạy bén và trách nhiệm của người làm khoa học, có áp lực khi phải chạy đua cùng thời gian để hoàn thành đề tài khoa học cấp Nhà nước… Và hơn hết, là những hy sinh lặng lẽ của các nhà khoa học mang áo lính.

Đại úy – Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng (Phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, giảng viên bộ môn Vi sinh y học, Học viện Quân y) là một trong ba thành viên nòng cốt của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”. Công việc thường xuyên của chị Hằng cũng như các thành viên cùng phòng là nghiên cứu về các mầm bệnh sinh học. Chị cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19, Học viện Quân y đã thành lập năm tổ công tác phòng chống dịch, mỗi tổ được phân công theo từng nhiệm vụ, trong đó tổ nghiên cứu và nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự là nóng cốt.

Các thành viên của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự lại chia thành từng nhóm nhỏ. Một nhóm thực hiện nhiệm vụ chính là nghiên cứu đề tài, làm ra bộ kit theo chu trình sản xuất, hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ. Nhóm khác phát triển kit có độ nhạy cao hơn, phát hiện virus ở những người lành mang trùng, người mang virus nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài hoặc người có lượng virus thấp mà những xét nghiệm thông thường không phát hiện được… Chị Hằng nhớ, khi đó các nhà khoa học Phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học của chị đã nói với nhau rằng, có được giao nhiệm vụ hay không, thì Phòng Vi sinh vẫn phải nghiên cứu mầm bệnh mới này. Khi đó là một tuần trước Tết Nguyên đán, nhóm nghiên cứu của viện đã họp, bàn bạc và quyết định phải tìm hiểu về loại virus mới này, đồng thời nghiên cứu chế tạo kit thử.

Thế là từ 27 Tết (21/01/2020), chị Hằng và đồng đội bắt đầu những ngày “ăn, ở cùng virus SARS-CoV-2”. Đến khi Việt Nam xuất hiện ca dương tính đầu tiên, Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành, Học viện Quân y đã báo cáo và nhận nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo kit thử từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhiệm vụ quan trọng này chính thức đặt lên vai chị và đồng đội, đồng nghĩa với việc nhân lên gấp bội áp lực.

Những ngày đầu xuất hiện COVID-19, Đại úy Đinh Thị Thu Hằng và đồng đội cũng như các nhóm nghiên cứu trên thế giới đều tập trung tìm phương pháp chẩn đoán, phát hiện bệnh và tìm cách phân loại virus trong môi trường nuôi cấy. Sau khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu đề tài, nhóm của chị đã liên hệ với đối tác tại Bệnh viện Charite (Berlin, Đức) để có thông tin di truyền, phương tiện xác định SARS-CoV-2 (khi đó gọi là 2019-nCoV).

Tết Canh Tý là cái Tết chẳng thể nào quên với chị Hằng và mấy chục thành viên nghiên cứu của Học viện Quân y. Cả nhóm ngày hai bữa cơm hộp để tranh thủ thời gian, không được nghỉ ngơi, không được quây quần bên gia đình, tất cả đều đón năm mới trong phòng thí nghiệm. Với chị Hằng, cái Tết vừa qua, chị đã ít nhiều chẳng thể tròn bổn phận của người vợ, người con dâu trong gia đình.

Đại úy - Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng, một trong ba thành viên nòng cốt của nhóm nghiên cứu kit thử SARS-CoV-2
Đại úy - Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng, một trong ba thành viên nòng cốt của nhóm nghiên cứu kit thử SARS-CoV-2

Như lính trận, trúng đạn là không có cơ hội làm lại

Sinh năm 1984, chị Hằng vừa là nhà khoa học, vừa giảng dạy, lại là một nữ quân nhân nên hầu như ngày nào chị cũng chạy đi chạy lại như con thoi giữa Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự và Học viện Quân y. Bởi tính cấp thiết của đề tài cũng như tình hình dịch bệnh, Học viện Quân y đã phải huy động tới hơn 50 thành viên, dù nòng cốt nghiên cứu đề tài chỉ có một số nhà khoa học. Việc nghiên cứu phải qua nhiều bước khác nhau, riêng công việc trong phòng thí nghiệm đòi hỏi sự tỉ mỉ nên trong đơn vị của chị, nữ chiếm số đông. Chị tâm sự: “Người ta vẫn nói sau mỗi người đàn ông thành công đều có hậu phương vững chắc là người vợ. Còn với những phụ nữ làm khoa học như chúng tôi, chưa biết có thành công hay không, nhưng chắc chắn không thể thiếu sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình, đặc biệt là chồng”.

Từ khi bắt tay vào nghiên cứu kit thử SARS-CoV-2 cùng đồng đội cho đến một tuần sau Tết, chị Hằng vẫn được nhìn thấy con, dù hầu hết những buổi chị từ Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự trở về nhà thì hai đứa con đã ngủ. Nhưng cũng có những lúc mẹ con tranh thủ gặp được nhau, con chị thấy mẹ đi sớm về khuya bèn hỏi: “Con corona này nguy hiểm, khiến bao người chết, mẹ có đang làm về nó không?”. Lúc đó, chị trả lời con rằng “mẹ đang làm nhiệm vụ đặc biệt đấy”, thằng bé lo lắng dặn “mẹ phải cẩn thận đấy” rồi nhanh chóng động viên “chúc mẹ chiến thắng con corona nhé”. Những ngày chị “ăn ngủ cùng SARS-CoV-2”, cũng là những ngày thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình được chuyển qua vai chồng. Chồng chị, dù không nghiên cứu khoa học, cũng chẳng phải quân nhân, nhưng bất kể vợ cần gì trong công việc mà anh giúp đỡ được, anh đều đôn đáo khắp nơi. Chị bảo, may mắn nhất là mình nhận được những chia sẻ từ chồng.

Tính đến ngày kit thử SARS-CoV-2 thành công, là hơn một tháng mẹ con chị Hằng chưa được gặp nhau. Vì tất cả học sinh phải liên tục nghỉ học để phòng dịch COVID-19, nên vợ chồng chị buộc phải gửi con về quê nhờ ông bà trông nom. Những cuộc điện thoại vội vã gọi về quê, để mẹ con nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại, chị cũng phải tranh thủ lúc ngồi ăn cơm hộp. Còn chủ nhiệm đề tài, Phó giám đốc Bệnh viện cũng vì “ăn ngủ cùng SARS-CoV-2” mà quên mất sinh nhật con trai. Quá nửa đêm, khi ông rời phòng nghiên cứu về nhà, nghe vợ nói chuyện tổ chức sinh nhật cho con, ông mới nhớ hôm qua là sinh nhật thằng bé. Nhưng những khó khăn, những hy sinh lặng lẽ ấy dường như không nặng nề bằng việc các nhà khoa học phải chạy đua cùng thời gian. Chị Hằng nhớ, hằng ngày, vài tiếng một lần, thủ trưởng của chị, cả lãnh đạo các bộ lại gọi điện xuống và hỏi duy nhất câu “vài tiếng qua, mọi người đã làm được những gì”. Áp lực đến độ, nhiều thành viên trong nhóm nghiên cứu còn không dám nghe các cuộc điện thoại “hỏi thăm” như thế.

“Nín thở” nhất với chị Hằng và đồng đội là trước ngày thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm ở viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thủ trưởng của chị hỏi, nếu thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm mà hỏng thì sao. Chủ nhiệm đề tài của chị khi đó đã nói: “Báo cáo Thủ trưởng, chúng tôi không có cả thời gian để nghĩ đến tình huống thất bại, chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một việc là phải hoàn thành nhiệm vụ, bởi giống như người lính trên chiến trường, nếu trúng đạn là không có cơ hội làm lại”. Những áp lực ấy, có lẽ chỉ chị Hằng và những người trong cuộc mới hiểu. Chẳng trách, khi biết tất cả các tiêu chí đánh giá của bộ kit đều đạt, chị đã ôm ngực thở phào, còn đồng đội của chị, nhiều người bật khóc.

Chị và các đồng nghiệp của mình chẳng phải vì muốn trở thành những người “giải cứu thế giới” hay điều gì to tát đâu. Chị cười: “Biết nói thế nào nhỉ, đó gần như là linh cảm, là tâm thế, thậm chí là phản xạ tự nhiên của những người làm khoa học vi sinh. Trước các mầm bệnh mới, chúng tôi luôn đặt câu hỏi: “Nếu dịch bệnh lan đến Việt Nam thì sẽ thế nào?”. Với nhiệm vụ, chị và đồng đội luôn là những người đầu tiên đưa vai gánh lấy trách nhiệm.

Và rồi, ngay sau khi nghe thông báo kit thử đã thành công, điều đầu tiên và duy nhất mà chị nghĩ đến là mình được về quê thăm các con, thăm bố mẹ.

Tin liên quan

Đọc thêm

Kết nối - mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên Thủ đô Camera 360 trẻ

Kết nối - mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên Thủ đô

TTTĐ - Đến với “Ngày hội việc làm Thanh niên Thủ đô”, Nguyễn Quỳnh Trang (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), cùng đông đảo bạn trẻ, đã nắm bắt được nhiều thông tin tuyển dụng, việc làm từ các doanh nghiệp cùng tham gia…
Người trẻ kỳ vọng vào Luật Thủ đô (sửa đổi) Tôi yêu Hà Nội

Người trẻ kỳ vọng vào Luật Thủ đô (sửa đổi)

TTTĐ - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhận được nhiều kỳ vọng không chỉ trong hệ thống chính trị mà còn cả Nhân dân, các bạn trẻ Hà Nội, với mong muốn luật sớm được ban hành, góp phần khơi thông các nguồn lực, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho vùng Thủ đô và cả nước.
Những "Đại sứ Việt Nhật" Camera 360 trẻ

Những "Đại sứ Việt Nhật"

TTTĐ - Đó là những sinh viên tiêu biểu của Trường Đại học Việt Nhật (VJU) – Đại học Quốc gia Hà Nội, với thành tích học tập và hoạt động nổi bật. Năng động, thông minh, sáng tạo, cộng với tình yêu dành cho mái trường, các bạn đã góp phần lan toả hình ảnh của VJU cũng như thế hệ sinh viên thời đại mới.
Thiếu nhi trổ tài quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc Bản tin công tác Đội

Thiếu nhi trổ tài quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc

TTTĐ - Vòng bán kết sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới” khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của 10 đội thi. Mỗi đội gồm 3 thành viên đã trổ tài thuyết trình tiếng Anh quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Hơn 422.000 tác phẩm dự thi vẽ tranh về chiến thắng Điện Biên Phủ Bản tin công tác Đội

Hơn 422.000 tác phẩm dự thi vẽ tranh về chiến thắng Điện Biên Phủ

TTTĐ - Sau hơn một tháng phát động, Ban Tổ chức cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay” đã nhận được 422.562 bài thi thuộc 63 tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
Quán quân “Lớp tôi là số 1” gọi tên trường Đại học Ngoại ngữ Camera 360 trẻ

Quán quân “Lớp tôi là số 1” gọi tên trường Đại học Ngoại ngữ

TTTĐ - Chung kết cuộc thi “Lớp tôi là số 1” do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức tối 16/5 có sự tham gia của 7 đội thi. Các đội đã mang đến những màn trình diễn sôi động, hấp dẫn, kết quả đội 21E10- khoa Sư phạm tiếng Anh (trường Đại học Ngoại ngữ) đã xuất sắc giành vị trí Quán quân.
Những cô bạn nhỏ xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Những cô bạn nhỏ xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ

TTTĐ - Là đội viên, thiếu nhi giỏi giang, năng động, các em ấy được tuyên dương trong dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Những tấm gương này tiêu biểu, xuất sắc trong rèn luyện, phấn đấu, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của thiếu nhi Thủ đô.
Người trẻ có ước mơ, khát khao sẽ khởi nghiệp thành công Nhịp sống trẻ

Người trẻ có ước mơ, khát khao sẽ khởi nghiệp thành công

TTTĐ - Chiều 16/5, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố đã tổ chức Hội nghị “Liên kết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học”.
Trang bị kiến thức phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn Camera 360 trẻ

Trang bị kiến thức phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn

TTTĐ - Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành về phát triển kinh tế nông thôn, đoàn viên, thanh niên đã có thêm kiến thức về mô hình hợp tác xã, kỹ năng bán hàng trên nền tảng số, chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp...
Tuyên dương nữ chiến sĩ công an học tập và làm theo lời Bác Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Tuyên dương nữ chiến sĩ công an học tập và làm theo lời Bác

TTTĐ - Các gương nữ chiến sĩ Công an TP HCM là những "bông hoa đẹp", luôn tận tâm, tận tuỵ trong công việc và cuộc sống, được tuyên dương nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xem thêm