Để di tích được tôn vinh, trở thành nguồn lực văn hóa mạnh mẽ...
Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô Phố cổ Hà Nội kỷ niệm 20 năm là Di tích Quốc gia Phát huy giá trị lịch sử di tích đình Mễ Trì Hạ |
Khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu Hà Nội
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 133 khu, điểm tham quan du lịch. Triển khai Luật Du lịch 2017, đến nay, UBND thành phố đã công nhận 50 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố; trong đó, 42 điểm du lịch 8 khu du lịch cấp thành phố. Việc quản lý, khai thác tốt các điểm đến, các khu, điểm du lịch góp phần tích cực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch.
Tại Hội nghị Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn diễn ra sáng 5/12 tại Hà Nội, đồng chí Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Ước số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó gồm: 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.
Những di tích lịch sử - nguồn lực văn hóa mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội |
Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023. Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong năm 2024, thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” và đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam” ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố - nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hoá, lịch sử.
Du khách đến Hà Nội |
Để nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn tiêu biểu, có thương hiệu của Thủ đô, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3928/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, Sở đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội (Tờ trình số 78/TTr-SDL ngày 23/10/2024 trình UBND thành phố về dự thảo quyết định, dự kiến trong năm 2024 sẽ ban hành Quyết định).
Sở chủ động hướng dẫn xây dựng điểm đến du lịch an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cho các khu, điểm tham quan du lịch; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch của Thủ đô vào mỗi dịp, sự kiện quan trọng trong năm như (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc tế lao động 1/5, Quốc khánh 2/9...) tại các địa bàn, điểm đến du lịch, điểm tập trung đông người.
Đồng chí Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Đơn vị cũng duy trì hoạt động của Tổng đài 1800556896 về thông tin, hỗ trợ tư vấn, giải đáp thông tin du lịch và tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của du khách.
Một số điểm du lịch hiện đã được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch Thủ đô như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Bát Tràng, Hồng Vân...
Công tác đầu tư nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được đơn vị quan tâm, chỉ đạo. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu từ các quận, huyện, thị xã, Sở Du lịch đã cung cấp danh sách các địa điểm đề xuất lắp đặt nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố để phục vụ phát triển du lịch, đề nghị Sở Xây dựng (là cơ quan thực hiện tham mưu quản lý nhà nước đối với nhà vệ sinh công cộng) có phương án thực hiện.
Đồng thời Sở đã lập danh sách nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn Hà Nội để theo dõi, phối hợp trong công tác quản lý.
Hoạt động tại Đền Hai Bà Trưng - Mê Linh |
Công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực các khu, điểm du lịch được quan tâm. Trong năm 2024 Sở Du lịch đã tổ chức kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phương Cách, Hoàng Xá; Khu du lịch Ao Vua; Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng, làng nghề gỗ cao cấp Vạn Điểm thuộc huyện Thường Tín; Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn - huyện Mỹ Đức.
Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức các hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng tại các huyện: Phú Xuyên, Thanh Trì, Quốc Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã đã chủ động quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu du lịch, nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện cho tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch.
Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các khu, điểm du lịch, xây dựng điểm du lịch thông minh được đẩy mạnh. Sở Du lịch đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023, trong đó có bản đồ số du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch…
Đơn vị đã hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò…
Phát huy hiệu quả của mô hình
Tuy vậy, tại Hà Nội vẫn còn tồn tại những hạn chế sau: Một số các khu, điểm du lịch đang được hình thành hoặc mới tham gia vào hoạt động du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều nơi còn sơ sài, chưa tạo được dấu ấn riêng với khách du lịch.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Sự đa dạng và chất lượng dịch vụ cung cấp tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thành phố chưa cao. Phần lớn tại các khu, điểm du lịch đều chưa cung cấp được loại hình dịch vụ lưu trú chất lượng cao, chưa đáp ứng được tiêu chí về sự thuận lợi cho khách du lịch có nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng dài ngày. Các loại hình dịch vụ tham quan chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo nên chưa tạo được dấu ấn hình ảnh riêng trong lòng khách du lịch để tăng tỷ lệ khách quay lại lần sau.
Vấn đề về vệ sinh chung chưa được các đơn vị, tổ chức quản lý khu, điểm du lịch quan tâm, đầu tư đúng mức, cụ thể như: việc phân loại rác, xử lý rác thải, nước thải mới chỉ dừng ở mức thô sơ, các thiết bị thân thiện và bảo vệ môi trường chưa được đưa vào sử dụng phổ biến.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh khẳng định: “Mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn có vai trò hết sức quan trọng.
Hà Nội là địa phương đậm nét văn hóa dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử. Các di tích là minh chứng làm cho văn hóa Thủ đô dày hơn, lưu giữ giá trị giáo dục với thế hệ ngàn sau. Đây là nguồn lực văn hóa không địa phương nào có được như Hà Nội.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều mô hình, tuyên truyền rất tích cực. Tuy vậy, việc tuyên truyền, thực hiện phải thường xuyên, liên tục, đổi mới bằng nhiều hình thức hấp dẫn và thiết thực và có sự lồng ghép giữa các hoạt động với nhau".
Đồng chí Trần Thị Vân Anh đề nghị thời gian tới các địa phương đánh giá tổng thể các mô hình tại đơn vị mình, chỉ ra những điểm tốt để phát huy, điểm chưa tốt để khắc phục.
"Phải có mô hình tiêu biểu để chia sẻ và nhân rộng, đó là minh chứng cho hiệu quả của việc phát huy giá trị của di tích", đồng chí Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Điều này phục vụ cho việc phát triển văn hóa của Thủ đô, đánh thức di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Điều này cũng là để thể hiện vai trò của ngành văn hóa Thủ đô đóng góp vào sự vươn mình của Hà Nội với kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị cũng đã đưa ra những mô hình, những cách thức xây dựng, triển khai tại cơ sở.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh thông tin: Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm đã tiến hành khảo sát, xin ý kiến và nghiên cứu cẩn thận trước khi tiến hành các mô hình, các công trình tại khu di tích. Điển hình như tranh tường bích họa tại khu di tích thờ Nguyên phi Ỷ Lan, lễ hội áo dài "Hương sắc tháng 3" tại đền thờ Thánh Gióng, CLB hướng dẫn viên du lịch "Gia Lâm trong tôi"...
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cầu Giấy cho biết: Hội có 3 mô hình: Phụ nữ xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu; Phụ nữ tham gia xây dựng chợ văn minh tại chợ Đồng Xa và Nghĩa Tân; Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Khi thực hiện mô hình di tích lịch sử kiểu mẫu, Hội phải phải rà soát rất chặt chẽ và được sự đồng thuận rất cao của ban quản lý di tích cũng như Nhân dân. Các hoạt động đều đảm bảo sự tôn nghiêm và giá trị của di tích. Đặc biệt, công tác duy trì vệ sinh môi trường, hướng dẫn du khách được Hội Phụ nữ quận thường xuyên tổ chức.
Chú ý đến trang phục, tác phong, ứng xử nơi công cộng, các chị em cũng hỗ trợ về trang phục, giám sát việc đảm bảo trang nghiêm, lịch sự khi đến khu di tích trên địa bàn quận.