Ghi nhận một ca tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Cụ thể, bệnh nhân là cụ bà 86 tuổi (huyện Quốc Oai) khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ... Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu, dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Món tiết canh dễ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn |
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 6 ca và số ca tử vong tương đương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.
CDC Hà Nội cảnh báo, người dân ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa nấu chín, như: tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn.
Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine phòng nên việc ăn chín uống sôi rất quan trọng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết; nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Ngoài ra, người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.