Giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho lao động hồi hương
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều người lao động đã trở về quê hương. Do đó, thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) ở tỉnh khác nơi đã làm việc được người lao động rất quan tâm.
Lao động hồi hương nhận trợ cấp thất nghiệp như thế nào?
Tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp ngày 12 tháng 3 năm 2015 có nêu một số nội dung đến việc người lao động được quyền nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp về thời hạn, ủy quyền, nhận hỗ trợ,…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một lượng lớn lao động từ các thành phố lớn đã trở về quê hương |
Theo đó, tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định như sau: “ Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp”.
Như vậy, trong 3 tháng kể từ ngày mất việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được nộp hồ sơ tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Đối với nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau: “Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”.
Do đó, người lao động có mong muốn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng điều kiện sau: Đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp; Có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Tóm lại, nếu người lao động, đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp ở nơi đang làm việc mà có mong muốn về quê nhận thì có thể làm hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp.
Hơn 500.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước
Người lao động hoàn toàn có thể nhận trợ cấp thất nghiệp tại nơi mình sinh sống |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, tỉ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng có thể thấy rõ tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động. Vì vậy, chính sách BHTN đã phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, chính sách BHTN cũng giúp người lao động có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân. Riêng trong tháng 8/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 61.914 người hưởng BHTN, trong đó có 61.215 người hưởng TCTN, 699 người hưởng chế độ học nghề. Tính chung 8 tháng năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và chi trả BHTN cho 511.915 người hưởng mới, trong đó 500.883 người hưởng TCTN; 11.031 người được hỗ trợ học nghề.
Để chuyển nơi hưởng BHTN về quê, người lao động thực hiện theo thủ tục sau: Bước 1: Gửi Đơn đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp. Bước 2: Nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm phải cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động gồm: - Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động; - Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; - Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; - Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có); - Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bước 3: Nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến. Bước 4: Nhận trợ cấp thất nghiệp và thẻ bảo hiểm y tế. |