Hòa Bình: Chú trọng tạo việc làm mới và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình hướng dẫn người dân làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp |
Toàn tỉnh đã có 152 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, trên 1.500 hộ kinh doanh cá thể đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất – kinh doanh; gần 1.280 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng dư nợ trên 2.265 tỷ đồng.
Cùng với việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh thì người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động của 69 doanh nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã có 1.164 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, đã thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 918 người, với tổng số tiền chi trả 12,3 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới và dự án đầu tư vào tỉnh giảm sút. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 171 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.733 doanh nghiệp, 675 chi nhánh, văn phòng đại diện; trong đó có 2.922 doanh nghiệp đang hoạt động, 815 doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, thương mại và dịch vụ, dẫn đến suy giảm đầu tư trong ngắn hạn và tác động tới dài hạn, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài Nhà nước. Các nhà đầu tư mới đã dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI. Các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn việc tăng vốn và mở rộng đầu tư.
Trước những khó khăn khiến nền kinh tế của tỉnh Hòa Bình giảm sút, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đơn giản hóa các loại giấy tờ trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ, kịp thời, đúng đối tượng.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cam kết, sẽ quan tâm chỉ đạo đối với những đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người lao động thất nghiệp, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình đã quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những lao động bị thất nghiệp được hưởng chính sách theo quy định
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 2.820 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trong đó có 2.780 đơn vị đã tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Có trên 67.2080 người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hơn 4.400 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 4.415 người, với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp hơn 48,4 tỷ đồng. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 4.482 người.
Triển khai thực hiện chính sách, ngay từ đầu năm 2019, Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã tổ chức tập huấn Luật Việc làm cho gần 600 cán bộ làm công tác LĐ,TB&XH các cấp, trong đó tập trung giải thích, hướng dẫn những điểm mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ quản lý Nhà nước. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì 3 văn phòng tiếp nhận hồ sơ về bảo hiểm thất nghiệp tại 3 huyện có nhiều doanh nghiệp và có đông lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bám sát theo các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng quy định.
Ngoài ra, hàng tháng, quý, Sở đều cử lãnh đạo, cán bộ Phòng Việc làm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm; bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hướng dẫn Trung tâm thực hiện các quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp;
Trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đăng ký trình Giám đốc Sở LĐ,TB&XH ra quyết định, theo đúng trình tự thủ tục quy định. Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông tin quảng cáo qua báo, đài, tờ rơi... về chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều người lao động đã tìm được việc làm mới phù hợp |
Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, nhiều trường hợp người lao động đến trung tâm giao dịch việc làm đã được tư vấn thông tin giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động và không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình, anh Nguyễn Văn Sáng (trú tại huyện Kim Bôi) chia sẻ: “Đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, anh bị nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc, anh Sáng được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng với mức trên 2,2 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, anh đều phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông báo tình hình tìm kiếm việc làm. Tại đây, anh được cán bộ Bộ phận tư vấn ban đầu tư vấn về các đơn hàng việc làm, học nghề để có thể tìm kiếm việc làm và nghề phù hợp”.
Theo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hòa Bình, năm 2019 số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng so với năm 2018; 100% số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về việc làm và học nghề. Nguyên nhân thất nghiệp chính là do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sở LĐ,TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện cơ chế một cửa chính sách bảo hiểm thất nghiệp, niêm yết công khai các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để người lao động thực hiện. Phòng Bảo hiểm thất nghiệp đã xây dựng kế hoạch, mô hình tiếp nhận xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, bộ phận tư vấn ban đầu theo thủ tục hành chính quy định.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp; thường xuyên tìm ra phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả, phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cập nhật các ngành nghề đào tạo cũng như thời gian mở khóa học nghề để tư vấn cho người lao động.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, Trung tâm đã cử cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp xuống 3 văn phòng đại diện tại huyện Lương Sơn, Yên Thủy và Lạc Sơn. Đây là những địa bàn tập trung đông người lao động của tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, đi lại, sinh hoạt nhưng cán bộ ở các văn phòng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động trong việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, đối với những lao động chưa có nhu cầu trở lại thị trường lao động sẽ tư vấn, giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hòa Bình, có được kết quả trên là nhờ địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động khi đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho những người lao động trong giai đoạn mất việc làm và tìm kiếm việc làm mới bị mất việc làm, đang đi tìm việc làm mới.
Thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH tỉnh tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác phối hợ giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Tổ chức tập huấn pháp luật lao động nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng tới chủ sử dụng lao động và người lao động; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn cho người lao động trong tìm kiếm việc làm, học nghề.
Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hòa Bình kiến nghị Cục Việc làm đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; phối hợp thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là khâu chốt sổ bảo hiểm xã hội và chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; Đồng bộ thực hiện phần mềm bảo hiểm thất nghiệp giữa các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc…