Mùa mận vào phố...
Nét mới trong văn hóa ứng xử và kinh doanh của người Hà Nội |
Nét chấm phá mùa hè
Hà Nội là trái tim của cả nước nên sản vật vùng miền đổ về đây rất phong phú, mùa nào thức nấy. Những năm gần đây quả mận đến từ một số vùng miền núi phía Bắc như Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai)… Cứ vào khoảng đầu tháng 5, mận bắt đầu đổ về Hà Nội là bao nhiêu thức quà từ mận được người ái mộ đưa lên đầu bảng: Mận lắc muối ớt, siro mận, mứt mận, ô mai mận cùng nhiều món ăn biến tấu từ mận.
Mùa mận chín chỉ kéo dài khoảng 2 tháng, khi thời tiết giao mùa cuối xuân đầu hè. Giữa tiết trời hanh hao càng dễ khiến người ta nhớ, người ta thèm vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn của quả mận chín đỏ.
Quả mận - thứ quả đặc trưng của mùa hè |
Mận theo xe tải những thương lái về chợ đầu mối Long Biên, chợ phía Nam và những khu chợ nhỏ. Mận được bày bán từng sạp lớn và theo những xe thồ, quang gánh của các cô, các chị tỏa đi khắp phố phường. Giữa dòng xe cộ, giữa màu sắc của phố phường, màu đỏ của quả mận như những chấm phá khó lẫn.
Thường bán hoa quả theo mùa nên đến mùa hè, chị Nguyễn Thị Nhung, trú tại Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) lại nhập mận về bán. Chị Nhung cho biết, cách đây một tháng, mận sớm vừa hiếm vừa đắt, tới 180 nghìn đồng/kg nên chỉ có ai đặt chị mới dám lấy. Khoảng một tuần trở lại đây, mận vào chính vụ, giá thị trường khoảng 60-80 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày chị bán được từ 1 - 2 tạ là chuyện bình thường. Đây cũng được coi là thời điểm quả mận ngon nhất, nhiều cùi nhất, vị chua ngọt hài hòa nên được người Hà Nội tranh thủ mua về chế biến, tích trữ.
Nước siro mận mát lạnh giải nhiệt mùa hè |
Chị Hạnh Anh, trú tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Năm nào vào giữa tháng 5 chị cũng phải mua cả yến mận về làm đủ món vì đây là thời điểm mận chín tới, không quá xanh để còn nhiều vị chát cũng không quá già để giảm mất độ giòn, làm món gì cũng ngon.
“Mận tôi đặt mua quả khá đều, về ngâm với đường và sên lên làm siro mận, chia thành từng hộp nhỏ, cất ngăn đá cả nhà uống giải khát quanh năm hoặc thỉnh thoảng làm món vịt áp chảo sốt mận. Tranh thủ mùa có quả mận tươi, mỗi ngày tôi mua 1-2kg làm mận lắc muối ớt”, chị Hạnh Anh nói.
Hương vị của khéo tay
Mận không sinh ra từ Hà Nội nhưng đến với vùng đất này, bởi sự sành ăn và sáng tạo, khéo chế biến của người nơi đây, mận đã trở thành những hương vị khó quên với người mê ẩm thực.
Món mận lắc muối ớt |
Trên những con phố du lịch của Thủ đô như Tràng Tiền, ven bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây… chúng ta dễ dàng gặp được món mận lắc muối ớt. Những quả mận bổ đôi, lắc cùng chút muối, đường và ớt bột vị chua cay mặn ngọt hòa quện làm xốn xang bao khách qua đường.
Đến phố Hàng Đường, thưởng thức món mứt mận chúng ta sẽ thấy nét tỉ mỉ, tinh tế, khéo kéo trong cách chế biến mận rất riêng có của người kinh kì.
Chị Thanh, một chủ tiệm ô mai, mứt tâm sự: “Món mứt mận đã được truyền từ đời bà, mẹ và giờ đến tôi, có thể còn từ trước đó nữa. Những quả mận được cắt thành nhiều lớp mỏng, xòe ra như cánh hoa, được ướp đường cho ngấm rồi cho vào chảo đun trên bếp sên lên cho đến khi cạn nước, trải ra mẹt đem phơi hoặc sấy đến độ dẻo mong muốn. Mứt mận là món kì công bậc nhất!”.
Mứt mận truyền thống |
Quả mận khi cắt cánh mỏng đều, không bị rời, ngấm đều vị đường đòi hỏi kĩ thuật và kinh nghiệm của người thợ. Món mứt mận có vị chua ngọt đậm đà, có thể thưởng cùng trà, bánh làm nên phong vị rất riêng có của người Hà Nội.
Ngày nay, mứt mận được cách tân, biến tấu thành mận xào gừng, mận xào cay. Hương vị thêm phong phú và được nhiều người trẻ ưa chuộng. Món mứt mận thực sự là một thức quà đặc sản Hà Thành.
Những thức quà từ quả mận ở Hà Nội dù nhỏ bé, đơn giản, mộc mạc hay chất chứa nhiều tâm huyết cũng như bí quyết độc đáo để không thể trộn lẫn, ít nơi nào có thể sánh được. Nhờ đó quả mận dù không có nguồn gốc xuất xứ ở đất kinh kì nhưng lại là nơi đánh dấu, nâng tầm để quả mận là một đặc sản nức tiếng gần xa.
Cũng chính quả mận nhỏ bé góp phần khẳng định Thủ đô là địa điểm giao thương và buôn bán những sản vật của từng địa phương, nơi hội tụ những mặt hàng có giá trị và tinh tế nhất.