Nâng mức hỗ trợ cho người hưởng BHTN học nghề, người lao động vẫn chưa "mặn mà"
NLĐ thất nghiệp được quan tâm học nghề
Thất nghiệp đẩy nhiều NLĐ vào tình cảnh khó khăn. Nhằm nỗ lực giảm thiểu tình trạng thất nghiệp đồng thời nâng cao năng lực cho NLĐ, mới đây Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 quy định mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia BHTN.
Căn cứ theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg NLĐ được hỗ trợ học nghề ở mức cao với điều kiện tiên quyết là phải tham gia BHTN.
Bên cạnh điều kiện buộc tham gia BHTN, căn cứ vào Điều 55, Luật việc làm 2013 thì điều kiện để hỗ trợ học nghề còn có hai điều kiện:
Trước tiên, NLĐ đủ các điều kiện quy định tại các Khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật việc làm.
Cụ thể: NLĐ đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; và trừ trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
NLĐ đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
NLĐ chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
Thứ hai, NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Tư vấn cho người lao động trong quá trình đang hưởng BHTN (ảnh TTDVVL Hà Nội) |
Như vậy bằng cách tham gia BHTN, NLĐ sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Với một số tiền nhỏ đóng vào quỹ BHTN mỗi tháng, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp NLĐ sẽ không chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp mà còn được hỗ trợ học nghề để dễ dàng đáp ứng điều kiện khi tìm công việc mới.
Hiện nay, căn cứ theo quy định Khoản 1, Điều 3, Quyết định 17/2021/QĐ-TTg mức hỗ trợ đối với người tham gia BHTN đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề như sau:
Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng.
Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng.
Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ BHTN.
Lao động thất nghiệp chưa mặn mà với hỗ trợ học nghề
Nghe tưởng chừng rất phi lý, nhưng thực tế hiện nay, NLĐ mặc dù đang lâm vào cảnh thất nghiệp, không có việc làm, nhưng lại không mặn mà với việc học nghề theo quyền lợi của chính sách BHTN.
Thống kê từ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, sau hơn 12 năm triển khai chính sách BHTN, cả nước giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 6 triệu lượt người, trong đó có gần 300.000 người được hỗ trợ học nghề...
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chỉ có khoảng 5% số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lựa chọn học nghề.
Thực tế, NLĐ đưa ra nhiều lý do từ chối học nghề khi đang hưởng BHTN.
Chị Trần Thị Hoài (sinh năm 1990 ở Đà Sơn – Đô Lương) đi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập 2,9 triệu đồng/tháng. Gần đây chị quyết định xin nghỉ việc luôn để về quê với mong muốn tìm được một công việc gần nhà.
Chị cho biết lý do mình không muốn đăng ký học nghề theo chính sách hỗ trợ của BHTN là vì chuyển đổi nghề sẽ mất một quãng thời gian dài để học và trong thời gian này sẽ không có thu nhập, học nghề xong cũng không biết có xin được việc làm hay không. Trong khi đó, trong thời gian mấy năm qua, chị đã thành thạo nghề gắn linh kiện điện tử nên muốn tìm cơ hội theo nghề.
Anh Trần ĐứcTrung (sinh năm 1995 ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh không chọn học nghề bởi chính sách học nghề không thực sự thu hút. Anh Trung trước khi dịch bệnh làm việc cho một đơn vị tổ chức sự kiện. Do dịch bệnh nên anh Trung phải nghỉ việc. Khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn học nghề thì anh từ chối bởi chính sách hỗ trợ học nghề không phù hợp.
“Nếu giờ chuyển đổi nghề khác thì phải mất một thời gian dài đi học, chính sách hỗ trợ học nghề mặc dù đã tăng nhưng tôi tính có khi vẫn chưa đủ để trả các khoản học ở trường nghề chứ chưa nói còn rất nhiều khoản khác” – anh Trung cho hay.
Người lao động tự tìm kiếm việc làm mới qua phỏng vấn online, phù hợp với năng lực trước đó, thay vì chọn một nghề mới với thời gian học ngắn (ảnh TTDVVL Hà Nội) |
Theo các chuyên gia về lao động, nguyên nhân chính dẫn tới thất nghiệp của NLĐ hiện nay là do nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Tại một số địa phương, NLĐ ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề...
Trên thực tế, những lớp đào tạo nghề với trình độ sơ cấp thì NLĐ chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc. Còn nếu muốn nâng cao tay nghề, NLĐ phải bỏ thêm chi phí.
Trong khi đó, đại đa số NLĐ thất nghiệp lại là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống thì lấy đâu ra tiền để tái đầu tư cho một nghề mới. Do vậy, tâm lý chung của họ là dành thời gian đó để làm các công việc khác nhằm duy trì cuộc sống hơn là đầu tư vào học nghề.
Vì vậy, để có thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu cao hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Hi vọng rằng, với mức hỗ trợ học nghề đã được tăng lên theo Quyết định 17 thì NLĐ thất nghiệp “mặn mà” hơn với quyền lợi này.