Thể hiện tình cảm nơi công cộng sao cho văn minh?
Cán bộ và Nhân dân đồng thuận thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng Đa dạng hình thức tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng Giữ gìn ý thức nơi công cộng để mùa thu Hà Nội đẹp trọn vẹn |
Đừng hồn nhiên thái quá
"Cao cao bên cửa sổ / Có hai người hôn nhau / Đường phố ơi hãy yên lặng / Để hai người hôn nhau / Chim ơi đừng bay nhé / Hoa ơi hãy tỏa hương / Và cây ơi lay thật khẽ / Cho đôi bạn trẻ đón xuân về…”. Bài hát "Mùa xuân bên cửa sổ" cho đến nay vẫn rất nhiều người yêu và thuộc lòng.
Đáng chú ý là, bài hát được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác từ năm 1985, phỏng thơ của nữ thi sĩ Song Hảo. Một cảnh trai gái hôn nhau trên cửa sổ sao lại khiến đất trời như lặng im, như tác hợp cho hạnh phúc của họ, cho mùa xuân trở về tràn ngập khắp không gian như vậy?
Chỉ có thể là họ đang đứng trên "cao cao". Có nghĩa là, họ đứng ở vị trí khuất tầm mắt, phải là người nào đó chịu khó để ý, ngước nhìn lên mới thấy. Sự kín đáo, ý tứ ấy làm nên một phần cái không gian đẹp của mùa xuân, của hạnh phúc đang vây quanh họ.
Nếu họ đứng giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đông người, liệu hình ảnh ấy có đẹp nữa không? Hẳn là không. Dù cho thời buổi hiện đại, Hà Nội là một thành phố năng động và rất tiến bộ, là nơi gặp gỡ của khá nhiều nền văn minh trên thế giới nhưng rõ ràng việc trai gái thể hiện tình cảm chốn công cộng thì vẫn khó chấp nhận được?
Hành động thân mật như thế này không nên thể hiện chốn công cộng |
Tại sao lại như vậy? Rõ ràng, bây giờ không còn là thời buổi phong kiến "nam nữ thụ thụ bất thân" nữa nhưng việc ai đó bộc lộ những hành động riêng tư thái quá nơi đông người vẫn khó chấp nhận?
Câu trả lời là, chúng ta vẫn thuộc vùng văn hóa Á Đông. Người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung vẫn khá kín kẽ trong việc thể hiện bản thân cũng như những thứ thuộc về cá nhân. Nếu như ở Châu Âu, hình ảnh những đôi trai gái ôm hôn nhau trên phố, trong công viên, tại bất cứ nơi đâu rất phổ biến thì ở Châu Á thường không được dư luận đồng tình.
Đặc biệt, tại Hà Nội, mảnh đất thanh lịch hào hoa, nơi văn minh và là chuẩn mực cho ứng xử của cả đất nước thì chúng ta lại càng không nên hồn nhiên, vô tư đến mức phản cảm. Sự thanh lịch, văn minh là những ứng xử chừng mực, biết người, biết ta, vừa mắt mình, vừa mắt người khác.
Theo đó, nếu đôi trai gái trẻ trung nắm tay nhau tung tăng trên đường, dựa đầu vào vai nhau, trao nhau một cái ôm khẽ trong công viên, bên vườn hoa, ở phố đi bộ sẽ là vừa đủ để chúng ta thấy họ yêu thương nhau, bất giác khiến chúng ta mỉm cười vì sức trẻ, vì sự hạnh phúc của họ tỏa lan ra không gian xung quanh.
Hình ảnh phản cảm |
Nếu là ôm hôn nhau mãnh liệt, thậm chí có cả những hành động mạnh hơn, lặp đi lặp lại với tần suất lớn thì sẽ gây "chướng tai gai mắt", nhất là nơi công cộng có nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Vân (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể buổi chiều tối đi bộ trong khuôn viên khu chung cư nhà mình thường xuyên bắt gặp một đôi trai gái chỉ tầm 16 - 17 tuổi cứ liên tục ôm ấp nhau. "Hai đứa chỉ bằng tuổi cháu tôi, thật bực mình và còn lo ngại hơn vì chúng đang ở lứa tuổi ăn học mà đã mạnh bạo bất chấp như thế này", bà Vân bày tỏ.
Chừng mực để hài hòa
Như vậy, những hành động chúng ta thể hiện ra bên ngoài trước hết phải đẹp từ trong ý nghĩ, trong dự định đã. Vẫn biết rằng, "yêu thì phải nói" nhưng cũng có khi "đừng nói khi yêu" giống như tên một bộ phim.
Không phải cứ mang ra trước đám đông thể hiện tình cảm thắm thiết mới thực sự là yêu thương. Tình yêu thăng hoa đôi khi còn là sự nuôi dưỡng từ từ, để nảy mầm đơm hoa một cách "đủ nắng hoa sẽ nở".
Bởi thế, Minh Anh (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết dù xung quanh bạn bè mình có người yêu và thổ lộ, bày tỏ tình cảm chỗ đông người rất nhiều nhưng bạn và bạn trai của mình vẫn chọn cách ý tứ, kín đáo, như một trò chơi đầy bí mật và thú vị.
Không nên thể hiện tình cảm thái quá ở nơi đông người |
Chị Kiều Trang cho biết mình có lần không "nhịn" được mà góp ý thẳng thắn với một đôi trai gái hồn nhiên "vật nhau" ở trong một hiệu sách giữa trung tâm thương mại đông đúc.
"Bao nhiêu ánh mắt trẻ nhỏ nhìn vào, người lớn cũng không thể tập trung và còn phải giải thích với trẻ nhỏ tại sao cô chú ấy lại có hành động đó, rất phản cảm và phiền phức. Tôi không muốn để các con mình bị ảnh hưởng, cho rằng việc đó là bình thường và bắt chước nên đành phải đứng ra góp ý. Rất may, các bạn ấy biết xấu hổ và bỏ đi chỗ khác.
Vẫn biết, trong vô vàn nét đẹp của thành phố này, ngoài cảnh quan, cây xanh, thời tiết, con người văn minh, thanh lịch thì tình yêu và sức trẻ cũng là một điểm khiến Hà Nội của chúng ta hấp dẫn hơn, đầy sức sống hơn. Tuy nhiên, cái đẹp chưa chắc đã phải là sự lồ lộ phơi bày mà sự e ấp, kín đáo, chừng mực, hài hòa cũng khiến người ta xao xuyến", Kiều Trang nói.
Do đó, nhu cầu bộc lộ tình cảm là có và giới trẻ thì thường hay vô tư, ít để ý đến xung quanh nhưng phần đa các ý kiến vẫn cho rằng những hành động riêng tư thì nên trả về nơi riêng tư. Các bạn trẻ vẫn nên giữ gìn lời ăn tiếng nói, lối ứng xử văn minh chỗ đông người và nhất là thể hiện tình yêu với nhau một cách đằm sâu hơn.
Đó cũng là cách để các bạn làm đẹp thêm thành phố, góp thêm dấu ấn của thế hệ mình với văn hóa của người Hà Nội ngày nay.