Tổng kết mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm
Hội nghị nhằm thực hiện Thông báo số 382 ngày 16/9 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ và UBND tỉnh, thành phố liên quan tổng kết mô hình thí điểm ban quản lý ATTP.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, phải đạt được mục đích quan trọng là sắp xếp bộ máy, mô hình tinh gọn và hiệu quả, không chồng chéo.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan và 3 tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện báo cáo về mô hình thí điểm ban quản lý ATTP để báo cáo Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm ban quản lý ATTP |
Theo báo cáo của 3 địa phương thực hiện thí điểm ban quản lý ATTP về quá trình thành lập, mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức cho thấy, công tác đảm bảo ATTP của 3 tỉnh, thành phố khi nhập đơn vị chức năng của 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp thành ban quản lý ATTP đã cho thấy sự hiệu quả.
Theo đó, liên quan các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về ATTP giám sát mối nguy như hoạt động truyền thông được triển khai trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể. Các đơn vị chủ động kịp thời trong xử lý sự cố về ATTP, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng.
Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý ATTP tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo qui định, tránh chồng chéo giữa các cấp, ngành, thuận lợi hơn so với trước khi thành lập ban. Công tác hậu kiểm được tăng cường…
Cụ thể, kết quả thanh, kiểm tra của Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động kiểm tra được triển khai ở 3 cấp. Giai đoạn 2017 đến tháng 9/2023 có 376.517 cơ sở được kiểm tra, trong đó phát hiện vi phạm tại 58.562 cơ sở, xử phạt 17320 cơ sở với số tiền hơn 181 tỷ đồng.
Còn theo Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng, công kiểm tra ATTP cũng được triển khai ở 3 cấp. Giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 đã kiểm tra 7.404/7.892 cơ sở, đạt tỷ lệ 93,81%. Trong đó, số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 192 với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ tháng 4/2018 đến 9/2023, các đoàn thanh tra, kiểm tra của 3 cấp đã thanh, kiểm tra 15.759 lượt cơ sở. Số cơ sở đạt về ATTP là 12.290 (chiếm 78%); cơ sở không đạt là 3.469 (chiếm 22%); xử phạt vi phạm hành chính 395 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Mặt khác, việc giải quyết thủ tục hành chính được tập trung một đầu mối trong giải quyết các thủ tục hành chính liên vực ATTP đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP. Đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý đã làm tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về ATTP.
Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mô hình thí điểm ban quản lý ATTP cũng được các đại biểu chỉ rõ như ban chưa phải là cơ quan hành chính Nhà nước chính thức nên việc sắp xếp về tổ chức nhân sự, đầu tư về trang thiết bị, việc phối hợp công tác với các cơ quan hành chính khác còn gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ thành lập Sở ATTP TP Hồ Chí Minh. Trước đó, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở ATTP TP Hồ Chí Minh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Sở có chức năng tham mưu, giúp UBND TP Hồ Chí Minh quản lý nhà nước về ATTP.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã có tờ trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt chế đặc thù cho TP Đà Nẵng trong đó đề xuất thành lập Sở ATTP TP Đà Nẵng. Hiện nay, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 998 ngày 27/8/2023 về việc kéo dài thời gian hoạt động thí điểm của Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng đến khi có mô hình mới.
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đến khi có hướng dẫn của Trung ương về mô hình tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước làm công tác bảo đảm an ninh, ATTP theo tinh thần Chỉ thị số 17CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư. Chính phủ ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, ngày 16/9, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 382 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP.
Trong đó, về vấn đề tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế với chức năng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về ATTP phải có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu lực, hiệu quả của phương thức quản lý, chất lượng nhân lực, công cụ, trang bị, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; làm rõ các vấn đề tích cực, hạn chế, nhất là đối với cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở để. Trên cơ sở đó, các địa phương đề xuất phương thức quản lý phù hợp yêu cầu quản lý hiện nay.