Xây đắp văn minh, thắm tình Hà Nội
Các cuộc vận động đã trở thành nếp sống văn minh |
Tiếp tục khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” * |
Hiến kế xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại |
Tài sản quý giá ngàn năm
Hà Nội luôn xác định văn hóa là tài sản quý giá mà cha ông ngàn năm đã bồi đắp và lưu truyền lại cho thế hệ sau. Thụ hưởng tất cả những giá trị đó, chúng ta vui mừng nhưng cũng phải hết sức trách nhiệm với "của thừa kế" không nơi nào có được đó.
Trách nhiệm không có nghĩa chỉ là nâng niu, trân trọng, thấu hiểu tác dụng, ý nghĩa mà còn phải sáng tạo, phát huy trên nền tảng có sẵn, đồng thời biến những giá trị đó thành đặc trưng của Thủ đô, đại diện cho văn hóa Hà Nội ngày nay.
Văn hóa - tài sản quý giá ngàn đời của Hà Nội |
Trong khi đó, Hà Nội cũng kiên định với phương châm xây dựng văn hóa phải lấy con người làm gốc. Bởi vậy, Chương trình 06-CTr/TU 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 xác định những mục tiêu rõ ràng và cụ thể cho mốc thời gian này.
Đó là: Phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Toàn thể hệ thống chính trị và người dân xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô.
Chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Hà Nội xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh thiếu niên; sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, lấy “chân - thiện - mỹ” làm mục tiêu của các hoạt động văn hoá nghệ thuật đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hoá của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của Nhân dân.
Thế hệ ngày nay ý thức và trách nhiệm xây dựng văn hóa Hà Nội ngày càng phát triển hơn (Ảnh minh họa) |
Chính quyền và Nhân dân Hà Nội chung tay xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hoá tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Muốn làm được như vậy thì phải có sự chung tay, góp sức của tất cả lực lượng trong và ngoài thành phố, đặc biệt là những người sinh sống, làm việc tại mảnh đất này.
Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh chính là cụ thể hóa của Chương trình 06 bằng việc làm thiết thực để huy động sự vào cuộc của các cơ quan báo chí với việc thể hiện tình yêu và đóng góp cho Thủ đô của chúng ta.
Lan tỏa văn hóa người Hà Nội
Trải qua 6 mùa tổ chức, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã chứng minh được ý nghĩa, tác dụng thiết thực đối với văn hóa Thủ đô.
Do đó, ở mùa thứ 7 này, việc tổ chức Giải tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội “Ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình”.
Cùng với đó là mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn.
BTC giải thưởng cũng mong muốn giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật; tự hào, tôn vinh truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và Thủ đô.
Cùng với các bài viết, Giải trở thành đợt vận động mạnh mẽ, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong việc viết, sáng tác tác phẩm báo chí về phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận giải C Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VI, năm 2023 |
Đồng thời, hoạt động này cũng cổ vũ, động viên phóng viên, biên tập viên, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; ghi nhận, biểu dương, khen thưởng những tác giả, tác phẩm báo chí chất lượng cao, có sức lan tỏa lớn.
Qua đó, Giải góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TƯ ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021…
Với ý nghĩa đó, BTC giải thưởng năm nay phải lựa chọn được những tác phẩm báo chí tiêu biểu tuyên truyền về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để tôn vinh, trao giải. Trên cơ sở đó, phát hiện cách làm hay, mô hình tốt để biểu dương và đấu tranh phê phán những khuyết điểm, vi phạm, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Theo đó, các tác phẩm dự thi tập trung phản ánh chủ trương của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025; tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu…
Bài viết tham dự Giải cũng phản ánh gương điển hình (tập thể, cá nhân), mô hình mới, cách làm hay, đạt hiệu quả tích cực trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tin rằng, những tác phẩm của mùa giải năm nay sẽ là những bông hoa đẹp, góp phần tích cực thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người làm báo Thủ đô và cả nước hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa Hà Nội, góp phần định hướng, biểu dương những nét văn minh, những tinh hoa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.