Chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 2/9
Các điểm du lịch "quá tải" tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, mỗi du khách thường chi trung bình 1/3 tổng chi phí của chuyến đi cho các hoạt động liên quan ẩm thực. Điều này chứng tỏ, đối với du khách, ẩm thực không đơn thuần là việc ăn, uống mà còn là sự khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của mỗi điểm đến.
Trong quá trình đi du lịch, du khách vừa có nhu cầu khám phá cảnh quan, lại vừa có nhu cầu nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sắc dân dã của địa phương.
Các món ăn ẩm thực đường phố, thức ăn nhanh là một nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam |
Không thể phủ nhận, ẩm thực đường phố là một nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam và cũng là một điểm nhấn cuốn hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Tại bất kỳ các điểm du lịch đông khách nào, người dân cũng dễ dàng bắt gặp những món ăn đặc sản địa phương từ những cửa hàng trong các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” cho đến những gánh hàng rong "di động".
Tuy nhiên, chính do việc chế biến và bày bán tại các nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn vỉa hè, các gánh hàng rong mà vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đáng lo ngại hơn.
Ở các khu du lịch, để phục vụ “hết công suất” lượng khách tăng mạnh trong các dịp lễ Tết nói chung và dịp nghỉ lễ 2/9 nói riền, nhiều nhà hàng, quán ăn không còn đảm bảo đủ các bước vệ sinh an toàn thực phẩm như ngày thường. Bên cạnh đó, việc bảo quản quá nhiều đồ ăn cũng khiến cho thực phẩm bị giảm chất lượng.
Các xe đẩy bán đồ ăn nhanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm |
Nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố "thời vụ" cũng sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh; không bảo quản riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực đã qua chế biến chín dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo. Người bán hàng chế biến thực ăn còn thiếu kiến thức về vệ sinh thực phẩm nên rất dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Du khách “quá tải” trong mùa cao điểm dễ dẫn đến việc nấu nướng sơ xài, công tác vệ sinh không đảm bảo, nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng, phải “tá hỏa” chạy đi các nơi để lo cho kịp số lượng.
Chưa kể, bản thân những người chế biến thức ăn thường sử dụng tay không để bốc đồ ăn chín và đồ ăn sống. Trong điều kiện mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh so với thời tiết bình thường.
Cùng với đó, sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... khiến thực phẩm dễ ô thiu, thối hỏng, sự cẩu thả cộng với nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Không sử dụng các thực phẩm trôi nổi tại các quán hàng rong
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 2/9, trước thời điểm nghỉ lễ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội và các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận huyện đã có kế hoạch ra quân kiểm tra các điểm tiếp đón khách du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, đoàn kiểm tra liên ngành tại các quận, huyện đã chú trọng kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố, các cửa hàng bán thức ăn nhanh....
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra khu vực bếp của các khách sạn trên địa bàn Hà Nội |
Trong năm 2024, TP cũng rất quan tâm đến vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm; các địa phương cũng tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ. Thông qua các cuộc kiểm tra cho thấy ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm của những người kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng đã được nâng cao.
Qua kiểm tra, khi phát hiện những cơ sở tiềm ẩn những nguy cơ gây ra mất an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra quận huyện cũng đã có biện pháp nhắc nhở thậm chí đóng cửa nếu cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Du khách mua hoa quả ại các gánh hàng rong không đảm bảo an toàn thực phẩm |
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo đối với khách du lịch nghỉ lễ tại Thủ đô Hà Nội: Đầu tiên cần lựa chọn thực phẩm bằng cảm quan; lựa chọn những thực phẩm tươi ngon. Lưu ý thứ hai là nên tránh dùng các thực phẩm lạ trong quá trình đu du lịch. Bởi đối với những thực phẩm lạ, cơ thể chưa đáp ứng được dễ có những kích ứng, dị ứng, rối loạn tiêu hoá gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
"Du khách cần chú ý ăn chín, uống sôi, tránh các món ăn gỏi, ăn sống, ăn các thực phẩm không có dấu hiệu tươi mới. Tốt nhất nên lựa chọn những cửa hàng có địa điểm kinh doanh cố định, đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ăn uống tại các cửa hàng "di động", gánh hàng rong.
Đây là những cửa hàng "thời vụ", cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Trong suốt thời gian của kỳ nghỉ lễ 2/9, Chi cục kết hợp với lực lượng chức năng các địa phương vẫn tổ chức, phân công các kíp thường trực ứng phó với các sự cố an toàn thực phẩm và tăng cường kiểm tra thức ăn đường phố", ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.