Đổi mới các hình thức truyền thông trong cuộc chiến “thực phẩm bẩn”
Xây dựng chiến dịch truyền thông sâu rộng, bài bản
Với mục tiêu không để xảy ra vụ ngộ độc lớn trên địa bàn Thủ đô, ngành Y tế đã tiếp tục phối hợp với ngành Công thương, Nông nghiệp giám sát, phân tích nguy cơ đối với ATTP; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố ATTP; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.
Cùng với các hoạt động thanh, kiểm tra, hậu kiểm, công tác phối hợp truyền thông của Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông cùng với hệ thống phương tiện truyền thông, báo đài cũng được đẩy mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao bằng khen cho ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác ATTP của thành phố, tính riêng trong “Tháng hành động vì ATTP”, công tác truyền thông luôn được chú trọng và đảm bảo triển khai đồng bộ từ tuyến TP đến tuyến quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố…
Trong đó, công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, mang lại hiệu quả trong việc tuyền tải thông tin về ATTP tới người sản xuất và người tiêu dùng, tiêu biểu như: Đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài PT-TH Hà Nội, báo Tuổi trẻ Thủ đô, báo Kinh tế và Đô thị, báo HàNộimới và trên website của Sở Y tế); tổ chức tập huấn, phố biến kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với 214 lớp/15.196 người tham dự; tổ chức 46 hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và ATTP nông, lâm, thủy sản bằng hình thức trực tuyến với trên 3.040 người tham dự; cung cấp thông điệp “Tháng hành động vì ATTP" năm 2024 cho quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố |
Những năm vừa qua, cùng với sự phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (thuộc Sở Y tế), báo Tuổi trẻ Thủ đô đã mở chuyên mục “Chung tay vì an toàn thực phẩm” với số lượng trên 300 tin, bài mỗi năm.
Nhiều bài viết đạt lượng view cao, thu hút sự quan tâm của độc giả và bước đầu đã nhận được những phản hồi tích cực.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cung cấp tài liệu phối hợp cùng báo Tuổi trẻ Thủ đô xây dựng các clip, longform, emagazine lồng ghép tuyên truyền những thông điệp truyền thông đảm bảo ATTP vào các dịp cao điểm Tết, “Tháng hành động vì ATTP”...
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội |
Đánh giá về việc đổi mới các hình thức tuyên truyền về ATTP, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: "Trong “Tháng hành động vì ATTP”, số lượng tuyên truyền trên báo đài rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền đổi mới qua các hình thức qua các kênh như: Zalo, TikTok. Các quận, huyện có thể thành lập các bản tin Zalo chuyên đề ATTP, sử dụng nền tảng TikTok để thông tin về các cơ sở vi phạm ATTP, cá nhân cá thể hóa các đối tượng vi phạm. Điều này sẽ tạo được hiệu ứng mạnh mẽ hơn".
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế và ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cùng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm |
Theo đề xuất của một số quận, huyện triển khai các hoạt động thanh kiểm tra, tuyên truyền ATTP theo các nhóm chuyên đề, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết hoạt động này cần triển khai thành một chiến dịch sâu rộng về tuyên truyền và truyền thông trực diện các nhóm vấn đề tới từng nhóm đối tượng.
Bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh: “Trong công tác truyền thông, chúng ta có thể sử dụng các mạng xã hội để tuyên truyền trực tiếp đến các nhóm đối tượng. Cụ thể, phân chia theo từng nhóm đối tượng, với chuyên đề trường học thì sẽ tập trung tuyên truyền phụ huynh và học sinh, phối hợp giữa các Sở, ngành để đưa thông tin tuyên truyền vào các nhà trường.
Nội dung thông tin phải đảm bảo truyền tải đầy đủ về tình hình về an toàn thực phẩm và nâng cao nhận thức mỗi cá nhân phải tự bảo vệ mình. Về hoạt động truyền thông, TP cần phải làm mạnh mẽ hơn và báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND sẽ có chỉ đạo để bố trí kinh phí hợp lý triển khai tuyên truyền theo từng chuyên đề sâu rộng và bài bản”.
Xác định công tác truyền thông phải kiên trì
Đánh giá cao hiệu quả của công tác truyền thông trong cuộc chiến với “thực phẩm bẩn”, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục ATTT Hà Nội nhấn mạnh: "ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Muốn vậy cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục ý thức cho cả người bán lẫn người mua.
Thiết nghĩ, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác; cân nhắc kỹ trong việc chọn lựa, sử dụng các loại thực phẩm, thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Người dân nói “không” với thực phẩm không an toàn, đừng vì sự tiện lợi và giá rẻ mà sau này có thể trả giá đắt bằng sức khỏe của bản thân".
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế và ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cùng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm |
Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, đồng bộ và xuyên suốt, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đối với vấn đề bảo đảm ATTP cho cộng đồng thì việc chú trọng và đẩy mạnh công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cũng chính là giải pháp đảm bảo ATTP trong tình hình hiện nay.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố, nhấn mạnh: Các hoạt động vi phạm ATTP sẽ âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe, tầm vóc của thế hệ giống nòi do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả hệ thống chính trị, ban hành các chỉ thị quan trọng về lĩnh vực này.
Ngoài ra, điều quan trọng tiếp theo là chúng ta cần nâng cao nhận thức từ cán bộ đến người dân vì sức khỏe cộng đồng, tránh tình trạng người dân nuôi trồng sản xuất theo kiểu "lợn một chuồng, rau một luống"; quản lý các chợ truyền thống; xây dựng hệ thống giết mổ tập trung...
“Để có thể nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen cho người dân về lĩnh vực ATTP, chúng ta phải xác định đây là việc làm cần được thực hiện kiên trì trong 5 năm, 10 năm, 20 năm… Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền ATTP cần được đưa vào trường học để giáo dục thế hệ tương lai; đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông mạnh trên báo đài, mạng xã hội...; tổ chức các cuộc thi viết về ATTP...”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.