Tập trung cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm
Vượt qua những khó khăn...
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 1.935 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 732 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh; ngành Nông nghiệp quản lý 407 cơ sở; ngành Công thương quản lý 630 cơ sở.
Ngoài ra, huyện có 2 siêu thị, 5 cửa hàng tiện ích, 8 chợ với tổng số 378 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ.
Đoàn liên ngành về công tác ATTP của TP Hà Nội kiểm tra trực tiếp cơ sở Winmart trên địa bàn huyện Đan Phượng |
Thực hiện kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 4/5/2024 về phát triển khai “Tháng hành động vì toàn thực phẩm ” năm 2024 và quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, UBND huyện đã chủ động phát triển khai các hoạt động nhân tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.
Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 (từ ngày 15/4 - 15/5), Ban Chỉ đạo ATTP huyện và 16 xã, thị trấn đã thành lập 17 đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý, theo phân cấp. Tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát trên toàn huyện là 373 cơ sở.
Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức cho biết: Kết quả kiểm tra cho thấy, số cơ sở đạt là 361/373 cơ sở, chiếm tỷ lệ 96,7%. Số cơ sở vi phạm hành chính là 12 cơ sở.
Trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã kiểm tra 322 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền phạt hơn 5,5 triệu đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện kiểm tra 51 cơ sở, xử phạt hành chính 6 cơ sở với số tiền 25 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện Đan Phượng đã tổ chức kiểm tra công tác triển khai bảo đảm bảo ATTP của Ban Chỉ đạo ATTP xã Đan Phượng và xã Đồng Tháp. Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã tiến hành tổ chức xét nghiệm nhanh 532 mẫu thực phẩm, tỷ lệ mẫu đạt chiếm 92%.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do bộ máy cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã còn thiếu; phần lớn kiêm nhiệm nên công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, các cơ sở thực phẩm do xã, thị trấn quản lý chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ. Còn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư nên khó quản lý, theo dõi, kiểm tra.
Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn
Để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như người dân, doanh nghiệp, các cơ sở, sản xuất, kinh doanh trong bảo đảm ATTP, công tác truyền thông được huyện Đan Phượng rất quan tâm.
Đoàn liên ngành về công tác ATTP của TP Hà Nội kiểm tra trực tiếp cơ sở Winmart trên địa bàn huyện Đan Phượng |
Theo đó, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức truyền thông trên hệ thống đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn với tần suất 2 buổi/ngày, tập trung vào nội dung về chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn sẵn bày bán ngoài chợ bảo đảm vệ sinh...
Từ đầu năm đến nay, Phòng Y tế huyện phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi huyện tổ chức 10 lớp truyền thông về ATTP với số lượng 913 người tham gia. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP, toàn huyện đã tổ chức 4 buổi truyền thông về ATTP với 305 hội viên nông dân, phụ nữ.
Cùng với đó, các xã, thị, trấn tăng cường công tác truyền thông với 52 bài viết tuyên truyền; đã phát thanh 688 lượt trên hệ thống loa truyền thanh xã, thị trấn; cấp phát 2.700 tờ rơi tuyên truyền về chủ đề Tháng hành động vì ATTP…
Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức cho biết: Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo đảm ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, công tác ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ngành (y tế, kinh tế, công an, quản lý thị trường, thú y...) nên đạt hiệu quả cao.
UBND huyện Đan Phượng mong muốn, thành phố tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn; hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã, thị trấn; hỗ trợ test nhanh để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát...