Giúp thanh niên khởi nghiệp thành công
Anh hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị nền tảng tuyển dụng Mywork.Tại Đại hội Đoàn Thanh niên TP Hà Nội lần thứ XV, Phan Viết Hoàng chia sẻ tham luận “Cần chú trọng và phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam”, với phương châm: Nếu tìm được cách khai phá, nuôi dưỡng, ươm tạo thành công nguồn lực trẻ, chính là các hạt giống quý báu góp phần quan trọng vào sự thành công của một tổ chức khởi nghiệp, một quốc gia khởi nghiệp.
Không chỉ là phong trào…
Anh Phan Viết Hoàn cho rằng: Trong thời gian gần đây, khởi nghiệp là một trong những chủ đề nóng được truyền thông và đang ngày càng trở nên phổ biến, càng đặc biệt hơn khi khởi nghiệp được Chính phủ cũng như các tổ chức chính trị, đoàn thể quan tâm sâu sắc tạo điều kiện thúc đẩy hỗ trợ.
Đã có các kết quả ban đầu khả quan khi chúng ta đang từng bước hình thành một mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ tích cực đến các nhóm Khởi nghiệp qua các hình thức từ: truyền thông, đào tạo, vốn, địa điểm, thương mại hoá, vv. Đặc biệt hơn khi theo nghiên cứu cho thấy tố chất của người Việt Nam rất phù hợp với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo nhờ các đặc tính về: sáng tạo, chăm chỉ, chịu khó và thông minh. Chính vì vậy, Việt Nam nói chung và nhân lực khởi nghiệp sáng tạo nói riêng đang đứng trước rất nhiều cơ hội được quan tâm, đầu tư.
Tuy nhiên không tránh khỏi, bên cạnh các kết quả tích cực vẫn có những điểm hạn chế cần phải quan sát, xem xét và có các giải pháp cụ thể nhằm tránh việc đưa Khởi nghiệp chỉ dừng ở mức một phong trào đơn thuần.
Lợi thế “dân số vàng”…
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị nền tảng tuyển dụng Mywork: Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư không chỉ trong nước còn trên toàn thế giới, tuy nhiên bên cạnh lợi thế đó chúng ta cũng đang gặp phải trở ngại lớn đó là về chất lượng nguồn nhân lực mà đặc biệt là nhân lực trẻ rất không tương xứng với tiềm năng của dân số vàng.
Thống kê của MyWork cho thấy: chỉ 40% sinh viên phải mất hơn 6 tháng ra trường mới có việc làm số còn lại mất nhiều thời gian hơn 6 tháng và trung bình sinh viên mất từ 03-05 năm sau ra trường mới tìm được đúng công việc và ngành nghề phù hợp với năng lực chuyên môn.v.v
Với những con số như trên cho thấy sự lãng phí khủng khiếp về nguồn lực lao động đang diễn ra rất phổ biến hiện nay, mặc dù đã có nhiều ý kiến đưa ra tuy nhiên chưa thực sự giải quyết triệt để được vấn đề này. Hầu hết vẫn dừng ở mức thảo luận và thử nghiệm riêng rẽ.
Anh Phan Viết Hoàn
Bên cạnh đó, để nhân lực có thể đáp ứng được các tiêu chí để Khởi nghiệp cũng như làm việc trong các doanh nghiệp khởi nghiệp đòi hỏi cần có các tố chất, kiến thức, kỹ năng, môi trường luyện tập rất đặc thù thậm chí khắc nghiệt hơn rất nhiều so với làm việc trong các ngành, doanh nghiệp truyền thống. Các tổ chức khởi nghiệp do đặc tính sáng tạo trong môi trường nhanh, thay đổi chóng mặt và nhiều áp lực luôn đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được các tiêu chí như: sáng tạo, áp lực, có chuyên môn sâu, kỹ năng cao, tinh thần và động cơ làm việc lớn lao.
Phát huy “Những hạt giống quý”…
Theo đánh giá của MyWork chính nguồn nhân lực khởi nghiệp sáng tạo bao gồm không chỉ các sáng lập viên (founder) mà còn cả các cộng sự - nhân viên (employee) trong tổ chức khởi nghiệp là nguồn lực quý báu của nền khởi nghiệp quốc gia. Đây là các tinh tuý về lao động trẻ tạo ra nhiều đột phá và giá trị lớn cho xã hội. Chính vì vậy nếu tìm được cách khai phá, nuôi dưỡng, ươm tạo thành công được nguồn lực này chính là các hạt giống quý báu góp phần quan trọng vào sự thành công của một tổ chức khởi nghiệp, mặt khác đây cũng chính là một yếu tố (factor) cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp: Con người!
Tuy nhiên, đúng như hiện trạng về chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tuyển dụng nói chung vẫn còn rất thấp như hiện nay thì việc tìm ra được các nhân lực tốt phục vụ các tổ chức Khởi nghiệp sáng tạo lại càng ngày trở nên khó khăn hơn đòi hỏi cần các giải pháp rất cụ thể, tập trung cũng như các nguồn lực cần thiết, trong đó nhấn mạnh:
Nhân lực khởi nghiệp cần được nghiên cứu các đặc tính và đưa ra các chuẩn chung tương đối bao gồm có các: tố chất, đặc tính về chuyên môn, kinh nghiệm, thái độ, kỹ năng và đặc biệt là động lực làm việc phù hợp với các tổ chức Khởi nghiệp.
Sau khi đã có các đặc tính mô tả về nguồn nhân lực khởi nghiệp, chúng ta cần có các chương trình cụ thể về phát triển nguồn nhân lực Khởi nghiệp này gồm có các bước: sàng lọc – thi tuyển, ươm mầm – đào tạo, thử nghiệm – cho làm việc trong các môi trường thực tế khởi nghiệp, cấp chứng nhận về chất lượng.
Sẽ là lãng phí nếu không thiết kế được một cầu nối hiệu quả để tiếp thị và kết nối nguồn nhân lực chất lượng với các Tổ chức khởi nghiệp qua đó giúp tìm đúng người đúng việc gia tăng giá trị cho chuỗi cung cầu nguồn nhân lực nói chung và khởi nghiệp nói riêng. Hiện nay việc tuyển dụng trực tuyến đã và đang là một kênh tuyển dụng bắt buộc, phổ biến thì tính cấp thiết của việc cần có một kênh tuyển dụng chuyên sâu về khởi nghiệp là điều hết sức cần thiết nhằm tập trung hoá kết nối tạo ra giá trị cho cả người tìm việc lẫn tổ chức tuyển dụng.
Theo đánh giá của MyWork, năng suất lao động Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới (năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia). Hơn 200,000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp sau khi ra trường (thống kê 2017). Hiện vấn đề đào tạo chưa gắn với thực tiễn. Có đến 94% trường hợp nhân viên mới, SV mới ra trường đi làm cần được đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Trong đó, các nội dung cần đào tạo lại có 92% về nghiệp vụ chuyên môn, 61% về kỹ năng mềm cơ bản, 53% về kỹ năng quản lý và lãnh đạo. |