"Lệ làng" đồng hành "phép nước" phát huy giá trị tốt đẹp
Tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy giá trị văn hoá truyền thống Lồng ghép quy tắc ứng xử nơi công cộng trong bản sắc văn hóa Hóa giải điểm nghẽn để văn hóa Thủ đô phát huy hết giá trị |
Sợi dây gắn kết cộng đồng
Thực tế, có những vấn đề nảy sinh trong đời sống mà pháp luật chưa thể bao trùm, điều chỉnh nhưng hương ước, quy ước làng xã lại làm được. Chính sự mềm mỏng, hợp tình hợp lý dựa trên nguyên tắc tình làng nghĩa xóm và sợi dây gắn kết cộng đồng mà hương ước làng xã đã ngày càng phát huy được hiệu quả trong việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở.
Người dân nghiêm chỉnh chấp hành bởi hương ước chính là bản cam kết “mềm do cộng đồng dân cư đề ra, được lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người và đồng thuận thực hiện.
Điển hình như việc triển khai việc tang văn minh của huyện Đông Anh hiện nay có 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục; tổ chức tang ngắn gọn, đơn giản; không ăn uống tràn lan, linh đình; thực hiện hỏa táng.
Các văn bản pháp luật rất khó can thiệp để người dân lựa chọn hỏa táng bởi việc tang thường liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống nhưng khi nội dung về tang văn minh được đưa vào trong hương ước, quy ước thì người dân lại nghiêm túc thực hiện.
Những giá trị tốt đẹp của truyền thống được phát huy trong đời sống hiện đại nhờ hương ước, quy ước (Ảnh minh họa) |
Bởi những quy định đó trước tiên đã được đa số người dân thông qua, tiếp đó là do hình thức vận động, tuyên truyền mềm dẻo của chính quyền thôn, xã đã có tác động tích cực tới các gia đình. Vì vậy tỷ lệ người qua đời thực hiện hỏa táng tại Đông Anh đến nay đạt trên 98%.
Nhiều thôn, xã từ đơn vị có tỷ lệ hỏa táng thấp nhất toàn huyện dưới 20% đến nay đã duy trì 5 năm liên tục đạt tỷ lệ 100% chính là nhờ việc đưa nội dung tang văn minh vào hương ước, quy ước để cộng đồng dân cư tự nguyện thực hiện.
Hương ước, quy ước đã góp phần giúp cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự; phòng chống các tệ nạn xã hội; xây dựng và phát huy tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư được phát huy hiệu quả.
Tại quận Bắc Từ Liêm, Các quy ước được phê chuẩn đưa vào thực hiện đã có tác động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước được triển khai, thực hiện nghiêm túc. Các phong tục tập quán tốt đẹp được duy trì và phát triển. Việc cưới, tang, lễ hội, mừng thọ được thực hiện đúng theo quy định của Trung ương, thành phố.
Hầu hết các đám cưới, đám tang, mừng thọ được tổ chức trang trọng và tiết kiệm không phô trương, hình thức, ăn uống linh đình dài ngày, đặc biệt đã loại bỏ các phong tục, tập tục, hủ tục lạc hậu như cưới tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; lăn đường, lăn huyệt, gọi hồn, yểm bùa khi tổ chức đám tang.
Quy ước văn hóa có vai trò là bộ phận hỗ trợ đắc lực pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư đối với những vấn đề và nội dung mà pháp luật không điều chỉnh; đồng thời còn là công cụ thực hiện mở rộng, phát huy dân chủ ở cơ sở, giúp Nhân dân trong tiến trình giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Tại huyện Quốc Oai, quy ước được thực hiện nghiêm túc, có tính tự giác cao. Việc lồng ghép xây dựng và thực hiện quy ước với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác do Trung ương và địa phương phát động được quan tâm, tổ chức thường xuyên.
Tại huyện Thạch Thất, quy ước đã góp phần phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư và các nội dung xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày như: Việc cưới, việc tang, việc mừng thọ và lễ hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát triển sản xuất, nếp sống văn minh đô thị, xây dụng Nông thôn mới, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh...
Điển hình là gia đình ông Nguyễn Trung Thành xã Bình Yên đã hiến 260m đất bao gồm 60m đất ở và 207m đất trồng cây lâu năm cho Nhà nước thực hiện dự án làm đường. Nhân dân thôn 4 xã Yên Bình đã tự nguyện hiến đất, làm đường xã hội hóa tiền, ngày công lao động làm đường giao thôn thôn, xóm để việc đi lại được thuận tiện hơn.
Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn văn hóa đã tăng lên đáng kể. Năm 2018 tỷ lệ gia đình văn hóa 88,2% đến 2023 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,8%, tỷ lệ thôn văn hóa năm 2018 đạt 78,1% đến năm 2023 ước đạt 88%.
Việc xây dựng, thực hiện quy ước đã góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động tự quản, hỗ trợ cho hoạt động quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định ANTT và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân; tạo tiền đề trong việc quản lý, giải quyết, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thiết thực thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư.
Đẩy mạnh tuyên truyền và khen thưởng
Dù vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn những biểu hiện chưa thực sự được hiệu quả. Do đó, để nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai thực hiện quy ước, quận Bắc Từ Liêm đề xuất các nội dung thiết thực. Đó là, tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong thực hiện quy ước; thành phố cần có văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư... trong đó nêu rõ hơn về trách nhiệm quản lý Nhà nước, cơ chế phối hợp thẩm định giữa các phòng, ngành chức năng và quy trình trong triển khai thực hiện.
Quận cũng mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng quy ước cho cán bộ văn hóa thông tin, cán bộ Tư pháp các cấp và các đồng chí tham gia công tác soạn thảo quy ước ở tổ dân phố.
Bên cạnh đó, cần có quy định rõ mức kinh phí dành cho việc xây dựng quy ước, quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy ước cũng như khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt và phê bình những đơn vị làm chưa tốt trong công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, góp phần xây dựng Nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
UBND huyện Thạch Thất cũng đề ra một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trên địa bàn như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước theo Nghị định 61/NĐ-CP tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện; vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc nội dung của hương ước, quy ước; gắn việc thực hiện hương ước, quy ước với việc bình xét gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa và các danh hiệu thi đua khác.
Huyện sẽ chú trọng thẩm định, công nhận các bản quy ước bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật, phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân; huy động sự tham gia góp ý của người dân vào dự thảo quy ước; đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức Văn hóa, Tư pháp và của các cơ quan của thẩm quyền công nhận quy ước.