Lựa chọn sản phẩm bánh Trung thu phù hợp với người bị tiểu đường
Người bị tiểu đường cẩn thận khi ăn bánh Trung thu
Những chiếc bánh trung thu với đa dạng mẫu mã, hương vị luôn là thứ quà mang nhiều ý nghĩa của Tết Trung thu.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể thưởng thức món bánh này một cách ngon lành. Đặc biệt phải kể đến là những người bị tiểu đường cần phải thận trọng khi dùng các loại bánh nướng, bánh dẻo.
Bánh Trung thu với thành phần nhiều tinh bột, đường, mỡ... không tốt cho người bị tiểu đường |
Bởi các loại bánh nướng được làm chính từ bột, đường, bơ, mỡ lợn, đặc biệt nhân bánh thường được tẩm ướp nhiều mỡ và đường nên rất béo và ngọt. Trong khi đó, bánh dẻo cũng rất nhiều tinh bột và đường.
Các quả trứng muối hay các loại hạt được sử dụng trong nhân cả bánh dẻo và bánh nướng lại có chứa hàm lượng cholesterol đáng kể.
Tiểu đường là thể bệnh liên quan đến vấn đề có hàm lượng đường huyết cao, do đó bệnh nhân đái tháo đường cần áp dụng một chế độ kiêng khem khá khắt khe. Theo đó, họ không được ăn quá ngot, không ăn các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều tinh bột hay có hàm lượng cholesterol cao…
Trong khi đó, bánh trung thu lại rất béo và ngọt nên nếu ăn nhiều, người mắc bệnh tiểu đường sẽ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.
Nếu bị mất kiểm soát đường huyết và dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Không những thế, bánh trung thu còn có thể khiến cơ thể "thừa cân" bởi trung bình thì một chiếc bánh cỡ 10 x 4cm sẽ cung cấp cho cơ thể đến 800 - 1.200 calo, 5 - 12 g protein, 60 - 90g cacbohydrat và 30 - 45g chất béo.
Cân nặng chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra tiểu đường, khiến cơ thể mất kiểm soát lượng đường trong máu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người bị tiểu đường.
Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi, Nguyên Viện Phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, bánh Trung thu thường rất ngọt và đa số được sử dụng đường saccharose để sản xuất, vì thế người tiểu đường nếu sử dụng loại bánh Trung thu này sẽ không tốt. Vì khi sử dụng đường huyết sẽ tăng lên, điều này sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe, đặc biệt là làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng với những người đang mắc bệnh.
Tuy nhiên, nếu biết cách lựa chọn phù hợp, ăn đúng cách thì những người bị tiểu đường vẫn hoàn toàn sử dụng được bánh Trung thu.
Cụ thể, khi ăn bánh Trung thu mỗi người chỉ ăn 1/4 hoặc 1/8 chiếc bánh và nên ăn vào buổi sáng hoặc buổi chiều vì sau đó, qua quá trình vận động sẽ làm tiêu hao năng lượng; nếu ăn vào buổi tối, năng lượng nạp quá nhiều trong khi cơ thể ít hoạt động sẽ không tốt với người mắc bệnh nói trên.
Lựa chọn bánh cho người bị bệnh tiểu đường
Nắm bắt xu hướng quan tâm hơn đến sức khoẻ và phục vụ các đối tượng khách hàng có bệnh lý cần kiêng ngọt, các thương hiệu bánh Trung thu, đặc biệt là các dòng bánh cao cấp, đã mang đến nhiều sự lựa chọn mới cho khách hàng.
Bên cạnh những sản phẩm bánh truyền thống, với phần nhân quen thuộc như thập cẩm, trứng muối, đậu xanh... còn có nhiều dòng sản phẩm mới, kết hợp sáng tạo các loại nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu bổ dưỡng, hướng đến tiêu chí lành mạnh, phù hợp cho người bị bệnh tiểu đường, người ăn kiêng.
Bánh Trung thu ăn kiêng là loại bánh được sản xuất từ đường không năng lượng, ít đường, ít calo |
Bánh thường được làm từ các nguyên liệu tự nhiên và không chứa các chất bảo quản hay phẩm màu nhân tạo. Thay vì sử dụng đường trắng thông thường, dòng bánh này được làm từ mía, mật ong, không đường hoặc đường ăn kiêng để phù hợp với những người muốn kiểm soát lượng đường hấp thụ.
Ngoài ra, dòng bánh healthy thường sử dụng các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt chia, và các loại trái cây… để làm nhân bánh, không chỉ tăng cường hương vị mà còn cung cấp thêm chất chống ô xy hóa, chất xơ và các dưỡng chất quan trọng khác cho cơ thể.
Loại bánh này được sản xuất từ đường không năng lượng, vì thế dù là mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn được bánh Trung thu. Đường không năng lượng là sản phẩm tự nhiên được chế biến hoàn toàn từ củ cải đường, có năng lượng rất thấp (chỉ 2kcalo/gram).
Thực tế, nếu dùng loại đường không năng lượng, thì độ ngọt của nó chỉ bằng 1/2 so với loại đường mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Vì thế, không chỉ bánh Trung thu, mà trong sinh hoạt ẩm thực hàng ngày, người béo phì, tiểu đường cũng có thể sử dụng được loại đường này.
Dù được sản xuất từ đường không năng lượng nhưng những người mắc bệnh tiểu đường vẫn cần phải ăn có điều độ vì bánh vẫn chứa nhiều tinh bột.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của bánh Trung thu, những người mắc bệnh đái tháo đường có thể sử dụng trà kèm theo khi ăn bánh. Bởi trong thức uống đặc biệt này chứa nhiều acid axetic có tác dụng phân giải chất béo, biến chúng thành dạng tồn tại có lợi và không gây gia tăng lượng đường trong máu.