"Tuýt còi" viên hỗ trợ điều trị tiểu đường Insuna vi phạm quảng cáo
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian vừa qua tại các đường link: https://webchinhhang.vn/san-pham/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna-nhat-ban-120-vien/; https://droppii.xyz/vien-ho-tro-on-dinh-duong-huyet-insuna/; https://www.pharmacity.vn/fujina-insuna-vien-tieu-duong-hop-120v.html thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
"Tuýt còi" viên hỗ trợ điều trị tiểu đường Insuna vi phạm quảng cáo. Ảnh minh hoạ |
Nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna do Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko, địa chỉ: Số 91 Linh Lang, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội công bố, đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, đại diện Công ty TNHH thương mại và xây lắp Meiko khẳng định, Công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna tại các đường link nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, sẽ được công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, sau hơn 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam mở rộng nhanh chóng. Số lượng sản phẩm đăng ký hằng năm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm, trong đó có hơn 70% là sản phẩm được sản xuất trong nước.
Trong khi đó, tỷ lệ người tiêu dùng trong nước biết và sử dụng thực phẩm chức năng lên đến hơn 60%. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thực phẩm chức năng từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội…
Quá trình triển khai đã có hiện tượng sản xuất thực phẩm chức năng không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây, trên các website, các nền tảng mạng xã hội người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường…
Thậm chí, các quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ, quảng cáo kèm theo ý kiến phản hồi của bác sĩ, người tiêu dùng gây hiểu lầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình" thực phẩm chức năng.
Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024 cơ quan chức năng cũng đã phát hiện tới gần 200 sản phẩm vi phạm.