“Mẹo” rửa rau đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm
Rau xanh là một mặt hàng thường xuyên và thiết yếu trong tiêu dùng hằng ngày của người dân. Trước những thông tin nhiều loại rau, quả sử dụng hóa chất, chất kích thích độc hại được bày bán tại các chợ dân sinh khiến nhiều người không yên tâm về độ an toàn của rau củ ngoài chợ.
Nhiều bà nội trợ, các gia đình có kinh tế đã lựa chọn mua thực phẩm tại các siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện ích với niềm tin rằng hàng hóa được kiểm soát, kiểm định chặt chẽ về chất lượng, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Rửa sạch tất cả các loại rau để tránh được vi khuẩn, vi trùng |
Ngoài việc chọn mua rau đảm bảo chất lượng, quá trình sơ chế, rửa rau cũng rất quan trọng. Nhiều bà nội trợ cũng băn khoăn liệu rửa rau bằng nước thông thường đã đủ làm sạch chúng?
Rửa rau quả tươi bằng nước sạch có thể giúp loại bỏ vi trùng và các chất cặn bã không mong muốn trên bề mặt của chúng trước khi ăn. Tuy nhiên, nhiều người còn sử dụng thêm các loại hợp chất tẩy rửa khác như giấm, nước chanh, muối hoặc thậm chí dùng các chất tẩy rửa, dung dịch sát khuẩn.
Tuy nhiên, các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng bừa bãi các loại chất tẩy rửa để làm sạch thực phẩm bởi vì các chất này có thể bám lên bề mặt rau củ, gây ngộ độc cho người sử dụng.
Nhiều người cho rằng, rau chỉ cần rửa 2-3 nước là sạch, khi nấu lên các vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ chết hết. Tuy nhiên, thực tế để rau thực sự sạch thì cách rửa phải cầu kỳ hơn thế rất nhiều.
Trước khi rửa rau xanh bằng nước sạch thì nên vệ sinh rửa tay bằng xà phòng, cọ rửa các loại đồ dùng, chậu, bồn rửa chuyên dùng để ngâm rửa rau củ quả thật sạch bề mặt.
Chúng ta nên rửa rau bằng cách làm sạch nhẹ nhàng dưới vòi nước lạnh hoặc vừa xối nước vừa dùng tay chà nhẹ lên các mặt của lá, kẽ lá để đảm bảo rau sạch các loại bụi bẩn. Trong lúc rửa, nên nhặt bỏ các lá có màu vàng, lá già, bị hỏng.
Sau khi rửa xong có thể ngâm với nước muối để loại bỏ lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng hoặc các vi khuẩn lây bệnh. Lưu ý không nên ngâm quá lâu, nếu không rau sẽ bị mất các loại vitamin và khoáng chất.
Ngoài cách dùng muối, để làm giảm hàm lượng thuốc trừ sâu trong rau quả, người tiêu dùng cũng cần ngâm thực phẩm trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa hoặc dùng nước vo gạo để ngâm, mục đích để trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.
Bên cạnh đó nên lưu ý giữ thực phẩm sống, bao gồm cả rau xanh, tách biệt khỏi những thực phẩm đã chế biến sẵn sàng để ăn; sử dụng dao, thớt, dụng cụ sơ chế riêng cho đồ sống và đồ chín, hoặc rửa sạch các dụng cụ đó trong quá trình sử dụng giữa đồ sống và chín; bảo quản thực phẩm sống, rau xanh và thực phẩm chín tách biệt.