Nguy cơ ngộ độc hiện hữu từ quà vặt cổng trường
Thuốc lá điện tử "tấn công" trường học: Mối nguy hại đe dọa thế hệ trẻ Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực cổng trường học Để cổng trường an toàn |
Canh cánh nỗi lo
Những ngày qua, một số học sinh tại Hà Nội, Quảng Ninh… bị ngộ độc thực phẩm do ăn kẹo mua tại các hàng quán bán ở cổng trường học.
Trước thông tin phản ánh một số học sinh trên địa bàn Hà Nội có biểu hiện ngộ độc nghi do ăn kẹo có xuất xứ không rõ ràng mua tại cổng trường. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiểm tra, xác minh. Kết quả cho thấy, 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn khi ăn cùng một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài.
Đồ ăn vặt cổng trường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ngộ độc cho học sinh |
Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Phòng GD&ĐT 30 quận, huyện, thị xã; các đơn vị, trường học trực thuộc yêu cầu các nhà trường tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Cùng đó, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền tất cả phụ huynh và học sinh không mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, phổ biến cha mẹ học sinh cần lưu tâm, tăng cường quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của con em.
Từ chỉ đạo của Sở GD&ĐT, ngay lập tức, các trường học trên địa bàn thành phố đã phát thông báo, gửi tin nhắn đến toàn thể cha mẹ học sinh để cảnh báo, lưu tâm nhắc nhở quản lý việc tiêu vặt/ăn quà vặt của các em. Các trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến tới tất cả cha mẹ học sinh về sự xuất hiện của một loại kẹo có vỏ in chữ nước ngoài, không có nhãn chú thích bằng tiếng Việt.
Không chỉ có ở Hà Nội, trước đó, ngày 29/11, UBND huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ 29 học sinh của trường THCS & THPT Hoành Mô có biểu hiện chóng mặt, tê môi, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một loại kẹo có chữ nước ngoài được mua ở gần cổng trường học. Do có những biểu hiện ngộ độc thực phẩm nên các em được nhà trường đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.
Cũng tại Quảng Ninh, vào ngày 25/11 tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), 126 em học sinh ăn kẹo lạ mua ở cổng trường, trong đó 5 em có biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở phải theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.
Theo ghi nhận, tại khu vực xung quanh cổng trường, nhiều đồ ăn, thức uống được bày bán tràn lan. Các loại đồ ăn này khá phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như: Nem tôm thịt hổ, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga… Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất “vừa túi tiền” với học sinh, chỉ 1.000 - 5.000 đồng mỗi loại.
Mối nguy hiện hữu từ đồ ăn vặt cổng trường... |
Mối nguy hại lâu dài
Theo các chuyên gia, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn, như: E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột...
Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính, như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm do quà vặt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhấn mạnh: “Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các phụ huynh nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ”.
Đồng tình với ý kiến này, cô Vũ Thị Thu Hằng, giáo viên ở quận Hà Đông, Hà Nội cũng cho rằng, cùng với cơ quan chức năng và nhà trường, việc bảo vệ sức khỏe của học sinh hơn hết cần sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.
“Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh vì quá bận rộn mà còn thờ ơ với con cái. Có học sinh sáng đến trường mà chưa kịp ăn sáng, mang theo hộp sữa, cái bánh. Như vậy là không đủ dinh dưỡng cho một buổi sáng học tập, hoạt động. Có cha mẹ chở con đến cổng trường mới “tạt” vào để con chọn một món đồ ăn mà vì vội, có khi không để ý nó là đồ ăn gì, có còn hạn sử dụng hay không?”, cô Hằng chia sẻ.
Không chỉ tăng cường trang bị kiến thức cho học sinh ở nhà trường, theo cô Hằng, phụ huynh cần có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe con cái, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, an toàn để bảo vệ con em mình.