Nhập viện vì uống 5-6 lít "nước thần" mỗi ngày để chữa bệnh
Liên tục các trường hợp nhập viện vì uống nước kiềm chữa bệnh
Bệnh nhân nữ P.T.M (60 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt. Bà M được chuyển tuyến vào Trung tâm Chống độc, với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali, hồi giữa tháng 10/2024.
Bệnh nhân có tiền sử mắc u tuyến giáp, tê bì tay chân, kèm nhiều bệnh dạ dày, tá tràng, đại tràng. Khi nghe hàng xóm truyền tai nhau về địa chỉ uống "nước chữa bách bệnh" gần nhà, bà tìm đến và xin được chữa trị. Thời điểm bà tham gia điều trị có khoảng 10 người, chủ yếu là người dân cùng xã.
Người phụ nữ cho biết thêm không cần trả chi phí điều trị, nước uống thoải mái. Máy lọc nước được chủ nhà quảng cáo nhập khẩu từ Nhật Bản, "ai có nhu cầu họ sẽ bán". Phác đồ điều trị là uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước mỗi ngày, không ăn bất cứ thực phẩm gì, liên tục trong khoảng hai tuần.
Bệnh nhân bỏ chạy thận, uống "nước" chữa bệnh, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy. Ảnh: Nguyên Hà. |
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận chùm ca bệnh tương tự. Ba bệnh nhân suy thận, đang chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, nghe quảng cáo về cơ sở ở Thanh Oai (Hà Nội) chữa bách bệnh bằng "nước kiềm" đã bỏ điều trị, đến gặp "thần y" tại địa chỉ này.
Để chữa bệnh, các bệnh nhân này nhịn ăn hoàn toàn trong 15-20 ngày, mỗi ngày uống 5 - 6 lít nước kiềm. Sau 2- 3 ngày nhịn ăn uống nước liên tục, bỏ dở quá trình điều trị bệnh khiến ba người bắt đầu xuất hiện khó thở, hôn mê phải đưa đi cấp cứu.
Các bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu cấp cứu ngay khi tiếp nhận. Kết quả xét nghiệm lượng Urê, Kali và Creatinin trong máu tăng rất cao, trong đó Urê gấp 3 lần bình thường, Creatinin gấp 10-15 lần. Do được lọc máu kịp thời, họ thoát chết, trở lại lịch trình chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sức khỏe và cuộc sống.
Uống quá nhiều nước nguy hiểm ra sao?
Theo các bác sĩ, những cơ sở trên đều quảng cáo phương pháp chữa bệnh không chính thống, chưa có cơ sở khoa học. Bệnh viện đã gửi kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để thông tin, cảnh báo đến người dân, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong một ngày, kể cả ở người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, có thể gây phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong.
Hầu hết người bệnh trên đều uống nước kiềm. Đơn cử, mẫu nước được người bệnh ở Sóc Sơn đưa đến khi xét nghiệm ra độ pH 7,5. Việc uống nhiều nước kiềm gây thừa nước, thay đổi pH của máu, nhiễm kiềm chuyển hóa, vô cùng nguy hiểm và phức tạp.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị viêm gan, suy gan do tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: BVCC |
Bác sĩ Nguyên phân tích khi có thay đổi về pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và nhiều bệnh tật phát sinh theo. Theo đó, pH cơ thể bị tăng lên, rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu bị hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, enzym bị giảm, thậm chí tử vong.
Tương tự như các trường hợp cấp cứu trên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân rơi vào nguy kịch vì uống các loại thảo dược không rõ nguồn gốc.
Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân B.T.H (47 tuổi ở Lạc Sơn, Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng suy gan nặng trên nền xơ gan viêm gan virus B kèm theo tình trạng viêm phổi và có nguy cơ hôn mê gan rất cao, bụng chướng, vàng da, vàng mắt.
Bệnh nhân đi khám và biết mình mắc bệnh viêm gan virus B chuyển sang xơ gan.Tuy nhiên, bệnh nhân không uống thuốc do bác sĩ kê mà tự mua thuốc nam không rõ nguồn gốc uống để điều trị bệnh. Sau khi uống thuốc nam 10 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện vàng da, vàng mắt tăng dần, mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng to phải nhập viện điều trị
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân B.T.Q (34 tuổi, cũng ở Hòa Bình) sau khi phát hiện mắc viêm gan B uống thuốc kháng virus định kỳ theo chỉ định của bác sĩ được 4 tháng, chị tự ý bỏ thuốc để chuyển sang dùng thảo dược. Khoảng cuối tháng 9/2024, chị Q xuất hiện tình trạng mệt mỏi, ăn kém, vàng da khác thường được nhập viện gần nhà với chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan B.
Sau 5 ngày điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm nên được chuyển tuyến đến Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với biểu hiện vàng da, vàng mắt tăng gấp hơn 20 lần, suy gan cấp, chức năng gan đạt 49%, chỉ số men gan tăng cao gấp 25 lần chỉ số bình thường.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi nghi ngờ có bệnh, người dân cần đến thăm khám ở cơ sở y tế có đăng ký.
Việc ăn uống cần đảm bảo đa dạng về thể loại, số lượng, thể tích phù hợp theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, người dân không tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ một loại nước nào đó để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể.