Phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời có hiệu quả, giảm thiểu mức độ thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai, thảm họa gây ra và đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quận Hà Đông.
Trung tâm Y tế Hà Đông đã xây dựng Kế hoạch số 792/KH-TTYT về Công tác phòng chống thiên tai và công tác y tế ứng phó bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn quận.
Các lực lượng xử lý cây gãy đổ, rác thải trên địa bàn quận Hà Đông |
Theo đó, Trung tâm đã phân công 3 đội đáp ứng nhanh, 2 đội cấp cứu cơ động ngoại viện cùng các kíp trực tại 2 Phòng khám đa khoa và 17 trạm y tế phường.
Các đội cơ động phòng chống dịch, đội cấp cứu ngoại viện chuẩn bị thuốc; trang thiết bị, vật tư sẵn sàng thường trực 24/24h khi có yêu cầu; đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh thường xuyên, sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân chuyển về từ các vùng ngập lụt; đảm bảo công tác điều trị thường xuyên.
Trung tâm cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các phương tiện cấp cứu đáp ứng khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.
Trong đó, 2 phòng khám đa khoa, trạm y tế 17 phường sẵn sàng tiếp nhận sơ cấp cứu ban đầu, đồng thời có kế hoạch vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực có ngập úng trước, trong và sau bão.
Sau mưa lũ, toàn quận tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh với phương châm “Nước rút đến đâu, tổng vệ sinh môi trường ngay đến đó”; phun hóa chất xử lý môi trường tại nơi có mật độ ô nhiễm cao như: Nhà tiêu công cộng, nơi súc vật chết, đống rác... xử lý các giếng nước, bể nước bị ô nhiễm nước do ngập úng.
Đồng thời, các đơn vị phối hợp với UBND các phường tổ chức phun hóa chất, diệt côn trùng để xử lý ổ dịch và môi trường.
TTYT quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung và chất lượng nước hộ gia đình.
Quận Hà Đông tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường; chủ động xử lý triệt để khi có ngộ độc thực phẩm, xử lý ổ dịch phát sinh sau bão lụt, không để dịch bệnh lan rộng.