Tổng cục Hải quan: Hoàn thành tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Cán bộ hải quan giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công |
Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu chung của đề án là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Đề án cũng xác định một trong những mục tiêu cụ thể là thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng để thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ (100%) các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm các cấu phần chính là (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến TTHC; (2) Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh; (3) Nền tảng thanh toán trực tuyến; (4) hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; (5) tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương; (6) Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Để triển khai đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia để đảm bảo tính hoàn chỉnh của một hệ thống quan trọng, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho việc khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước. Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được chính thức khai trương, mở ra kênh mới giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn về mặt không gian hay thời gian.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài Chính về việc phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngay từ những ngày đầu triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, tháng 12/2019 Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để tích hợp, kiểm thử và cung cấp 02 dịch vụ công trực tuyến hải quan là “Hủy tờ khai hải quan” và “Khai bổ sung tờ khai hải quan” lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tháng 3/2020, tại Hội nghị trực tuyến công bố tích hợp thêm 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Chi cục Hải quan Gia Thụy - Cục Hải quan thành phố Hà Nội (cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ) và đại diện Tổng công ty May 10 – CTCP (đơn vị nộp hồ sơ) để giới thiệu các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục “Khai bổ sung hồ sơ hải quan”. Thủ tục này được thực hiện theo các quy định hiện hành, gồm 05 bước hoàn toàn trên hệ thống, không có giấy tờ.
Trong năm 2020, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng, vận hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Tài chính, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp và để đảm bảo chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 là hoàn thành tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Tổng cục Hải quan đã tích cực rà soát, đánh giá tổng thể về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Ngành và xác định danh sách các dịch vụ công trực tuyến phù hợp để tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Với sự hỗ trợ của Bộ Tài Chính và sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 10/9/2020, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tích hợp và cung cấp 70 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn, nâng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 72 dịch vụ công trực tuyến.
Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan hiện nay đang được ngành Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên các hệ thống gồm: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến HQ36a, Cổng thanh toán điện tử; Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tính đến hết tháng 8/2020, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 190 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, chiếm 84% tổng số thủ tục hành chính do ngành Hải quan thực hiện. Trong đó, có 184 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 81%).
Bên cạnh đó, tính đến 25/8/2020, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã cung cấp 200 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,2 triệu hồ sơ của trên 40 ngàn doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và mở roongjcung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện được sửa đổi, bổ sung và công bố mới.
Như vậy, đối với các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngoài các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan, doanh nghiệp có thêm một kênh để có thể thực hiện thủ tục hải quan trên nền tảng Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn. Hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến này đều sẽ được hệ thống tự động đồng bộ về mặt trạng thái (đã tiếp nhận/đang xử lý/chờ phê duyệt…) và thực hiện trả kết quả trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nhờ việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Đồng thời, có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan
Có thể nói Cổng Dịch vụ công quốc gia là một kênh hữu hiệu để thực hiện điện tử hóa các thủ tục hành chính, đồng thời còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, Văn phòng chính phủ cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết.
Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp cũng như góp phần phòng chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa công chức thực thi và người làm thủ tục. Đặc biệt, trước bối cảnh hiện nay, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp là góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.
“Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |