Vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm ra sao?
Vì sao vi khuẩn Salmonella có trong thịt gia cầm?
Trước đó, từ ngày 12 - 15/3, hàng trăm người nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà tại tiệm cơm gà Trâm Anh. Trong số này có cả khách du lịch và người địa phương.
Vi khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn, thậm chí gây tử vong.
Tiệm cơm gà Trâm Anh - nơi xảy ra vụ ngộ độc tập thể ở TP Nha Trang |
Năm 2022, tại một trường học ở Nha Trang, vi khuẩn này cũng khiến hơn 600 em học sinh, giáo viên phải nhập viện, trong đó có 1 ca tử vong. Tại Hội An năm 2023, vi khuẩn Salmonella cũng khiến 150 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng.
Nhiều người thường cho rằng vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia cầm. Tuy nhiên trên thực tế, các thực phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn này kể cả thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau... Thịt bị nhiễm Salmonella có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt hoặc bị nhiễm trong và sau khi giết thịt (do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột...). Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.
Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ nhiễm Salmonella (vi khuẩn lây từ món ăn không nấu chín sang...).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, vi khuẩn Salmonella có thể xuất hiện ở bất cứ loại thịt động vật sống nào, phổ biến nhất là thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng.
Trong quá trình chế biến, người làm không tuân thủ nguyên tắc chế biến thực phẩm sống - chín, không rửa tay sạch sẽ khiến vi khuẩn từ thực phẩm sống nhiễm sang chín và nhanh chóng sinh sôi. Lượng vi khuẩn càng nhiều, độc tố sinh ra càng lớn.
Triệu chứng khi nhiễm khuẩn Salmonella
So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn món bị nhiễm khuẩn, cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.
Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu.
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện sau khi ăn cơm gà bị ngộ độc thực phẩm vi khuẩn Salmonella |
Người bệnh đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, dấu hiệu mất nước như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp, phân có máu. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Trong một số ít trường hợp, nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên, một số người dù bị nhiễm vi khuẩn Salmonella nhưng do cơ thể đã có kháng thể, số lượng vi khuẩn ít và độc lực của vi khuẩn yếu nên có thể bị rối loạn tiêu hóa vài ba ngày rồi tự khỏi. Một số rất ít trong số đó trở thành người lành mang vi khuẩn, có thể kéo dài nhiều tháng.
Do đó, khi có triệu chứng tiêu chảy nặng, phân có máu, nôn mửa kéo dài gây mất nước và sốt cao, bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc ngăn tiêu chuẩn.
Bởi những phương pháp điều trị này có thể kéo dài “giai đoạn mang khuẩn” và sự nhiễm khuẩn. “Giai đoạn mang khuẩn” là khoảng thời gian trong và sau khi nhiễm khuẩn mà có thể lây nhiễm sang người khác. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để làm giảm các triệu chứng. Trong các trường hợp nặng hoặc đe dọa tính mạng, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh đặc hiệu diệt vi khuẩn Salmonella.
Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, người chế biến tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác; lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành; không ăn tiết canh, thịt tái...
Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Ngoài ra, người dân cần cảnh giác khi sử dụng những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Thực phẩm nên được cất giữ trong tủ lạnh ngay cả khi thời tiết đông xuân không quá nóng oi bức thì thực phẩm vẫn có nguy cơ bị hỏng khi để ở ngoài.
Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, các bà nội trợ nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ.
Khi đi ăn ở ngoài (ăn quán, cơm bụi, hàng rong, quà vặt, ăn chè, sinh tố... ở các quán cóc ven đường), người dân cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ.