Bù nước đúng cách cho cơ thể mùa nắng nóng
Mùa hè tới là lúc thời tiết chuyển nắng nóng, khiến nhu cầu cung cấp nước cho cơ thể tăng lên, đặc biệt ở những người hoạt động ngoài trời. Khi cơ thể thiếu nước, hoạt động của các cơ quan sẽ thay đổi, dẫn tới những triệu chứng bất thường. Lúc đó, có thể chúng ta đã gặp phải một tình trạng gọi là mất nước.
Mất nước có thể dẫn tới một loạt các hậu quả nghiêm trọng như: sốc nhiệt, mắc các bệnh lý liên quan đến thận. Mất nước dẫn tới mất và rối loạn cân bằng điện giải như natri, kali. Tình trạng này gây ra sự rối loạn trong dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hậu quả là các cơn co cơ không tự ý, một số trường hợp có thể mất ý thức.
Bù nước đúng cách cho cơ thể mùa nắng nóng |
Các triệu chứng nhẹ của tình trạng mất nước bao gồm: Môi và lưỡi khô; Đau đầu; Yếu ớt, chóng mặt hoặc mệt mỏi cực độ; Nước tiểu ít và sậm màu hơn bình thường; Buồn nôn.
Đây là những triệu chứng nhẹ, người lớn bình thường khỏe mạnh có thể tự điều trị. Tuy nhiên, nếu trẻ em hoặc người cao tuổi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên cần đưa đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Tuy nhiên, nhiều người thường ít để ý đến việc uống đủ nước đúng cách, không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Để chống mất nước, sốc nhiệt, cần luôn nhớ uống đủ nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước.
Tùy theo độ tuổi, cân nặng và tính chất công việc của từng đối tượng mà cần bổ sung lượng nước. Cụ thể, người trưởng thành uống từ 1,5-2 lít nước/ngày. Trung bình uống từ 1-1,5 lít, cùng với nước trong thức ăn.
Đặc biệt, khi làm trong môi trường nắng nóng, vận động ra mồ hôi nhiều thì cần bù thêm nước, có thể lên đến 3 lít nước/ngày. Trẻ em dưới 10 kg cần 1 lít nước/ngày, từ 10-20 kg cần 1,2-1,5 lít nước/ngày.
Bên cạnh các loại nước từ thiên nhiên, nước giải nhiệt tự nấu, trên thị trường còn có nhiều loại nước đóng chai có tính năng bù nước, bù điện giải, siro bù nước...
Tuy nhiên, các loại nước đã đóng chai thì ít nhiều có các chất bảo quản sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Khi dùng chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, hàm lượng đường ra sao? Có các chất phụ gia không?
Khi bù nước chúng ta cần chọn đúng loại nước không có nhiều đường, ga, caffeine, chất bảo quản. Nước lọc tinh khiết hoặc nước có chứa chất điện giải vừa cung cấp nước vừa có đủ ion để cơ thể cân bằng và đảm bảo các hoạt động thường ngày.
Tuy nhiên, uống quá nhiều cùng một lúc thì không tốt cho sức khỏe, mà nên uống thành nhiều lần. Ví dụ, uống từng ngụm nhỏ sau mỗi 10 phút; Chú ý tránh uống nước lạnh mà nên uống nước ấm. Ngoài ra chúng ta có thể uống nước dừa, ăn súp, cháo loãng, ăn dưa hấu, sinh tố, sữa... để bù nước.
Ngoài ra, nên tăng thêm lượng rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày vì rau xanh chứa một lượng nước lý tưởng giúp cơ thể giữ nước một cách tự nhiên. Các loại rau như cải xanh, bắp cải, rau bina rất lý tưởng để giải nhiệt cơ thể. Ngoài ra, rau xanh còn cung cấp nước cho da giúp da sáng đẹp.