Chấm điểm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Thạch Thất năm 2022
Trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 15.469 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó, ngành Y tế quản lý 887 cơ sở; ngành Công thương quản lý 710 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 13.872 cơ sở.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các cấp chính quyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; năm 2022, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Thạch Thất đã ban hành Quy chế làm việc, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng thành viên; tham mưu kịp thời cho UBND huyện ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Ngoài ra, tiếp tục duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 15 xã, thị trấn; mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm năm 2022; mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại thị trấn Liên Quan; mô hình tuyến phố văn minh tại tuyến phố thị trấn Liên Quan và tuyến phố xóm chợ, xã Đại Đồng.
Đồng thời chú trọng công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp; xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, các sản phẩm chủ lực của huyện gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Mặt khác, tăng cường đầu tư, cải thiện điều kiện ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với phát triển thị trường; nhân rộng mô hình “mỗi xã một sản phẩm”.
Ngoài ra, duy trì, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; duy trì, phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, hội viên, nhân dân về công tác đảm bảo ATTP; tổ chức cho các cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP.
Kết quả, trong năm 2022 đã kiểm tra 100% số cơ sở, trong đó, 90% số cơ sở được kiểm tra đạt, nhắc nhở 185 cơ sở và phạt tiền 15 cơ sở vi phạm, với số tiền phạt 48 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Mọi thông tin về sự cố ATTP đều được phối hợp chặt chẽ và xử lý kịp thời theo quy định.
Qua rà soát hồ sơ, phúc tra kết quả đánh giá, Đoàn công tác số 3 của Thành phố đã thống nhất chấm công tác ATTP của huyện Thạch Thất năm 2022 đạt 87 điểm, đạt loại khá.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội đã đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện Thạch Thất trong công tác triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tuy nhiên, đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội yêu cầu, huyện Thạch Thất cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến của Đoàn, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện.