Chế độ ăn uống sau khi bị ngộ độc thực phẩm
Chế độ ăn thanh đạm để hồi phục sức khỏe
Ngộ độc thực phẩm xảy ra do sử dụng thức ăn, đồ uống bị nhiễm vi sinh vật, hóa chất hoặc do bản thân thực phẩm có độc tố tự nhiên. Ngộ độc thực phẩm, ở mức độ nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, mức độ nhẹ cũng khiến cho bệnh nhân đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, khó tiêu, mệt mỏi…
Khi bị ngộ độc thực phẩm, hệ tiêu hóa là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp, người bệnh thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa dai dẳng vì niêm mạc đường ruột bị tổn thương, bị viêm, hệ vi sinh vật đường ruột đang ở trạng thái cân bằng cũng bị rối loạn. Tình trạng này thường xảy ra trong một vài ngày, tuy nhiên, có trường hợp kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng.
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên ăn những thực phẩm thanh đạm, dễ tiêu như cháo, súp... |
BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: "Ngộ độc thực phẩm khiến đường ruột của bệnh nhân trở nên nhạy cảm hơn, vì thế nên ăn những món ăn nhẹ nhàng để xoa dịu đường ruột.Trong đó, thực phẩm ít chất béo, chất xơ là lựa chọn hàng đầu, chẳng hạn như: khoai tây, mật ong, chuối, cháo yến mạch...
Những người sau khi ngộ độc thực phẩm thường gặp phải tình trạng mất nước. Vì thế, việc bổ sung nước và các chất điện giải là điều cần thiết. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bổ sung thức uống có chứa pedialyte để hạn chế tình trạng mất nước.
Các loại trà như gừng, hoa cúc, bạc hà... có thể sử dụng rất tốt sau ngộ độc thực phẩm. Được biết, những loại trà này có khả năng giảm viêm, xoa dịu dạ dày, bù nước và hạn chế các cơn buồn nôn hiệu quả.
Sau khi ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chán ăn, khó tiêu. Để khắc phục triệu chứng này, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên sử dụng một số chế phẩm giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột như men tiêu hóa, sữa chua.
Trong sữa chua chứa một lượng lớn vi khuẩn đường ruột có lợi, giúp cải thiện và tăng cường tiêu hóa, đồng thời kích thích sự thèm ăn, giúp ăn ngon miệng hơn, khắc phục chứng chán ăn. Tuy nhiên, nếu người bệnh thuộc trường hợp không dung nạp sữa, không ăn được sữa chua thì có thể dùng các chế phẩm khác thay thế, còn nếu dị ứng với sữa tươi nhưng vẫn ăn được sữa chua thì nên sử dụng.
Để tránh tái diễn ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên cẩn thận hơn trong việc chế biến, bảo quản thực phẩm. Nhất là trong mùa hè nắng nóng như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn rình rập và rất dễ xảy ra. Dù thức ăn được lưu trữ trong tủ lạnh nhưng mọi người không nên chủ quan mà cần quan sát, kiểm tra để biết thực phẩm có còn an toàn hay không rồi mới sử dụng.
Những thực phẩm cần "né" sau khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngoài việc bổ sung những thực phẩm có lợi, bệnh nhân cũng nên kiêng những thực phẩm không tốt tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khỏe.
Thực phẩm giàu đạm được đánh giá rằng khó và mất nhiều thời gian để tiêu hoá hơn carbohydrate. Vì vừa mới ngộ độc nên dạ dày còn khá yếu nên việc bổ sung các thực phẩm giàu đạm như trứng, thịt bò, cá... là hơi "quá sức".
Sau khi ngộ độc, người bệnh không nên ăn thực phẩm giàu đạm, chất béo như cá, thịt bò, trứng, bơ... |
So với đạm, chất béo còn khó tiêu hoá hơn, chính vì thế người bệnh cũng nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo trong quá trình hồi phục sức khỏe như. Chẳng hạn, không nên ăn socola, bánh, kẹo, đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ...
Việc ngộ độc có thể khiến đường ruột trở nên nhạy cảm hơn. Vì thế, trong thời gian này không nên tiêu thụ đồ ăn cay để tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
Thông thường, chất xơ rất có lợi trong việc kích thích hoạt động tiêu hoá, hạn chế tình trạng táo bón. Tuy nhiên, sau khi ngộ độc thực phẩm, việc bổ sung nhiều chất xơ sẽ không có lợi cho đường ruột, có thể gây đầy hơi, chướng bụng, chuột rút,...
Những thực phẩm có thể gia tăng mức độ các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, gây khó chịu cho người bệnh. Vì thế, sau ngộ độc thực phẩm bạn không nên ăn cà chua, cam, quýt, bưởi, dưa chua... Bia, rượu, cà phê, nước ngọt, nước tăng lực là những thức uống cần tránh sau khi bị ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm nhẹ thì có thể khiến người bệnh đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn nặng thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Vì thế, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là điều cần thiết.
Chúng ta có thể giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm bằng cách thực hiện đúng quy tắc ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ; Đảm bảo vệ sinh khi sơ chế, chế biến; Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín; Không cho trẻ ăn thức ăn lạ, đồ tái, muối chua; Không cho trẻ ăn thức ăn đã để qua ngày; Tất cả các thực phẩm cần bảo quản đúng nguyên tắc, tránh ruồi, muỗi, chuột..; Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh.