Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng
Tăng cường truy xuất nguồn gốc, kiểm tra an toàn thực phẩm Kiên quyết tạm dừng hoạt động đối với cơ sở vi phạm ATTP Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm |
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 267 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.
Một gian hàng bán đồ ăn tại Khu di tích đền Và (thị xã Sơn Tây) |
Nguyên nhân được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm…
Tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra nhưng ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), các quận, huyện, thị xã đã tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Từ đây, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các lỗi vi phạm hoặc các biểu hiện có nguy cơ để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện Thanh Oai đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, trong đó có 4 đoàn tuyến huyện và 21 đoàn tuyến xã, thị trấn. Từ ngày 15/4 đến nay, 4 đoàn tuyến huyện kiểm tra 31 cơ sở thì có 3 cơ sở vi phạm, đã tiến hành xử phạt hành chính tổng số tiền 24 triệu đồng. Đối với tuyến xã, thị trấn, từ ngày 15/4 đến nay, các đoàn cũng đã kiểm tra 176 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và đã xử phạt 3 cơ sở vi phạm với số tiền 2,25 triệu đồng.
Tương tự, theo Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hà, trong 4 tháng đầu năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, tuyến xã, thị trấn đã kiểm tra 429 cơ sở trên địa bàn, phát hiện 37 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hơn 33,1 triệu đồng. Nhờ làm tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra…
Tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội còn khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số nhỏ lẻ, phân tán và thường biến động; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ do kinh tế suy thoái nên khó khăn trong công tác quản lý.
Cùng với đó, theo Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hà, nhân lực tại huyện và các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm đa số kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác; không có cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm nằm trong chức danh công chức xã, thị trấn.
Do đó, đại diện huyện Chương Mỹ đề nghị các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến huyện và tuyến xã. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các chuỗi cung cấp nông sản an toàn trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể của một trường học trên địa bàn quận Long Biên |
Các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo, từ nay đến tháng 8/2024 là thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc. Do đó, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, để làm tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt, tập trung kiểm tra hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm (nếu có).
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị, ngành Y tế và cơ quan chức năng các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan đông người trên địa bàn.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp); công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.