Duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại 387 cơ sở
Từ đầu năm đến nay, bám sát sự chỉ đạo của TP về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo quyết liệt; tổ chức các hội nghị triển khai công tác công tác an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; vận động các ngành, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm túc công tác an toàn thực phẩm, bám sát chủ đề “Tháng hành động vì ATTP năm 2024”, “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 Thành phố Hà Nội đã có buổi kiểm tra công tác ATTP “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024 của huyện Gia Lâm. |
Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền tại hội nghị, hội thảo, phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu…
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, thực hiện “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” từ 15/4 đến 15/5/2024, toàn huyện đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, gồm 3 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và 22 đoàn kiểm tra liên ngành của xã.
Các đoàn đã tổ chức đi kiểm tra tại 387 cơ sở trên địa bàn, qua đó, phát hiện, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm.
Trong đó, các đoàn cấp huyện kiểm tra 64 cơ sở, xử phạt 8 cơ sở với số tiền 56,25 triệu đồng; tổ chức tiêu hủy thực phẩm trị giá gần 41 triệu đồng bao gồm: 300kg thực phẩm đông lạnh, 100kg mực, 170kg khoai tây, 30kg đậu hũ tôm hùm; 700 gói lương khô mini, 199 gói bánh các loại, 16 gói kẹo bật hình xăm, 58 gói bim bim, 24 chai (loại 500ml/chai) rượu ngâm, 40 lít rượu trắng. Các đoàn cấp xã, thị trấn kiểm tra 323 cơ sở, xử phạt 5 cơ sở vi phạm với số tiền 20,5 triệu đồng.
Qua quá trình kiểm tra, đa số các cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở còn vi phạm các quy định về pháp luật như chưa có sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nơi chế biến kinh doanh có côn trùng, động vật gây hại xâm nhâp...
Thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan, các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung tuyên truyền về quy định của pháp luật trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, huyện cũng công khai các cơ sở thực phẩm vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn; tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ điều kiện an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể... và thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP
Để triển khai tốt công tác bảo đảm ATTP trong lĩnh vực y tế trên địa bàn huyện trong thời gian tới, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP; tăng cường rà soát, nâng cao hiệu quả việc thi hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra về ATTP. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Công tác tuyên truyền, tập huấn về ATTP cũng được đổi mới, chú trọng cả bề rộng và chiều sâu, kết hợp truyền thông trực tiếp và tuyên truyền gián tiếp trên hệ thống thông tin đại chúng.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra ATTP tại bếp ăn trường học trên địa bàn huyện Gia Lâm |
Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn công tác đảm bảo ATTP cho Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn, chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thu hút hàng nghìn người tham gia.
Phòng Kinh tế huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 10 lớp tập huấn về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo ATTP ngành nông nghiệp cho trên 1.000 lượt người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các chi hội, hội viên các xã, thị trấn các kiến thức, quy định về ATTP; 100% cơ sở Hội đăng ký và triển khai thực hiện các mô hình về vệ sinh an toàn thực phẩm như: kinh doanh chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn quy định; mô hình cánh đồng rau an toàn; không dùng thuốc sâu, thuốc bảo quản tại vườn cây ăn quả; không dùng các loại phẩm màu chế biến thức ăn tại các quầy hàng bán thức ăn chín.
Công tác cấp Giấy chứng nhân cơ sở đủ điều kiện ATTP thủ tục hành chính theo phân cấp giải quyết đúng thời gian và đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định.