Hà Nội đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động
Nỗ lực đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động
Từng là một nhân viên văn phòng, thu nhập không cao nhưng ổn định, chị Vũ Thanh Nhàn (40 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau một sự cố trong công việc, chị nghỉ việc và trở thành lao động thất nghiệp. Trong lúc nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và loay hoay tìm kiếm việc làm không được, chị Nga được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn giới thiệu đi học nghề.
"Sau một thời gian dài suy nghĩ, tôi quyết định sẽ chuyển đổi việc làm bằng cách học nghề. Từ lâu tôi đã rất đam mê với nghề pha chế đồ uống và tôi chọn nghề này để theo học", chị Nhàn nói.
Chị Nhàn là một trong 20 lao động thất nghiệp - thành viên của lớp dạy nghề pha chế đồ uống của Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tham gia lớp học nghề, chị Nhàn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, mức hỗ trợ trong 3 tháng. Đây là mức hỗ trợ tối đa cho các lao động thất nghiệp có nhu cầu học nghề.
Hà Nội sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số |
"Tôi thực sự rất bất ngờ vì khi đã thất nghiệp không chỉ được hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp mà còn được hỗ trợ học nghề miễn phí. Lúc vừa mất việc tôi đã nghĩ vậy là mình rơi xuống “vực thẳm” rồi, không ngờ giờ lại tìm được hy vọng quay trở lại thị trường lao động với một vị thế mới", chị Nhàn chia sẻ.
Cũng như chị Nhàn, nhiều lao động nữ thất nghiệp ở độ tuổi ngoài 40 chọn cho mình một số nghề như: Chế biến món ăn, may công nghiệp, pha chế đồ uống; Trang điểm, chăm sóc sắc đẹp... để theo học nhằm chuyển đổi công việc.
Trên thực tế, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) đã liên kết với hàng chục cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo 27 nghề trình độ sơ cấp cho những người có nhu cầu.
Những nghề được đào tạo phù hợp với xu hướng sử dụng lao động của thị trường. Hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; Nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đa số người học nghề đã trở lại thị trường lao động, sau khi hoàn thành chương trình học. Thấy rõ tính ưu việt, số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề đã tăng theo từng năm.
Trong năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư 4 trường cao đẳng công lập trực thuộc thành trường chất lượng cao |
Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 7/3/2023 về triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Theo đó, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu năm 2023 sẽ tuyển sinh và đào tạo khoảng 230.000 lượt người, trong đó trình độ cao đẳng 25.500, trung cấp 28.500, sơ cấp và dưới 3 tháng là 176.000. Thành phố cũng phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5% trở lên.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, hiện thành phố có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Riêng trong năm 2022, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh được hơn 250.000 lượt người, đạt 112% kế hoạch. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...
Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 của Hà Nội đạt trên 72%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%. Công tác đào tạo nghề được chú trọng gắn với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp.
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023, UBND thành phố Hà Nội cũng đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, thành phố yêu cầu rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023. Thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường trung học sơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động trong các doanh nghiệp sẽ được thành phố đẩy mạnh |
Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ được thành phố đẩy mạnh; Gắn đào tạo với giải quyết việc làm, trọng tâm là đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, người sử dụng lao động; Gắn chất lượng đào tạo nghề với ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Hoạt động đào tạo nghề cũng sẽ gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động. Đồng thời, thành phố chủ trương sẽ đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Người lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hỗ trợ thủ tục đào tạo nghề |
Giải pháp nữa cũng được tính đến trong năm 2023 là đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số. Phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được thúc đẩy. Học sinh, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để hình thành, hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Cũng trong năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư 4 trường cao đẳng công lập trực thuộc thành trường chất lượng cao, với một số nghề trọng điểm như: Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Bên cạnh đó, 16 trường sẽ được đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia.