Ngăn chặn bánh trung thu lậu, kém chất lượng “tuồn” ra thị trường
Những người đổ ra đường đêm Trung thu cần tự theo dõi sức khoẻ Thu giữ 5.000 chiếc bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc |
Những ngày gần đây, dù mùa Trung thu mới chỉ cần kệ nhưng lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vi phạm về các hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm nhập lậu, chất lượng kém, thậm chí nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đơn cử, ngày 6/7 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra một cửa hàng kinh doanh tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, qua đó phát hiện và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại cửa hàng kinh doanh ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội bị lực lượng chức năng thu giữ ngày 6/7 vừa qua |
Theo đại diện lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 24 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm Tết Trung thu cận kề, thị trường bánh trung thu tiêu thụ mạnh, chính vì vậy mà một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán nhằm kiếm lời, do đó thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong khi đó, theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, trong dịp Tết Trung thu năm 2022, lực lượng này sẽ tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường cũng sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi...
Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tổ chức cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2022 |
Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường cả nước cũng chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, năm nay, ngoài mua bán trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng thì nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử, mạng xã hội...
Do đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương).
Việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Vì vậy, cơ quan Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...) và chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương.
Người dân tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.